CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Đảng - Đoàn thể > Phong cách nêu gương của người lãnh đạo quản lý theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Phong cách nêu gương của người lãnh đạo quản lý theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Ngày đăng bài: 09/12/2018
Sinh thời Bác Hồ thường dẫn câu nói: “Một tấm gương sáng còn hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Thiết nghĩ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ là những lời nói, những lý luận một chiều mà việc tu dưỡng đạo đức này phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn trong sinh hoạt, học tập, lao động, trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội, từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới, với Đảng, với nhân dân … đó mới chính là điều ý nghĩa nhất thể hiện sự biết ơn và ngưỡng vọng vô hạn của mình đối với tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.
 

Việc nêu gương “Người tốt, việc tốt” đã có tác dụng rất lớn trong giáo dục đạo đức. Qua đó, mỗi người đều tự nhận thấy mình có thể noi theo gương tốt và làm việc tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Ai cũng có thể nêu gương về đạo đức cho người khác học tập. Và, ai cũng cần học tập những gương “Người tốt, việc tốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.  Như vậy, việc nêu gương là một yêu cầu thiết yếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính” và “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm côi diễn văn tuyên truyền”. Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã nêu một tấm gương sáng về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm trong tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả với mục đích cao cả vì nước, vì dân.
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7-1960.
Vậy, để xây dựng phong cách, tác phong công tác, nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo quản lý thì trước hết chúng ta phải làm gương cho mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm và học tập phong cách, tác phong công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự rèn luyện mình và thực hiện tốt một số nội dung sau:
 Đối với mình, không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; Luôn giữ vai trò gương mẫu, không ngừng rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc, nói đi đôi với làm cần kiệm, liêm chính, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, thẳng thắng tự phê bình và phê bình để giúp thấy được những mặt mạnh cùng như những hạn chế, yếu kém của tập thể, bản thân để có hướng phát huy nhưng mặt mạnh và khắc phục những hạn chế yếu kém.
Luôn học hỏi và tiếp thu ý kiến để nâng cao trình độ chuyên môn; Vận dụng tốt các nội dung học tập và làm theo tấm gương Bác trong công việc và trong cuộc sống.
 Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, luôn khoan dung, độ lượng;
Tôn trọng và đối xử công bằng với nhân viên cấp dưới, không gây mất đoàn kết, tạo được niềm tin yêu, sự thiện cảm đối với mọi người. Đoàn kết với đồng nghiệp và xây dựng tập thể cơ quan vững mạnh.
  Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc: Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Trung thực, tận tâm với nghề nghiệp. Không lợi dụng chức quyền vì mục đích vụ lợi; luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không ngại khó, không ngại khổ.
Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công.
Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, nhưng phải xét nó có lợi cho cơ tập thể không? Nếu không có lợi, mà có hại cho tập thể thì quyết không làm.
Và đặc biệt, trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành tấm gương giúp cấp dưới nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện và chống lại thói hư, tật xấu.
   Trần Thị Bích Thủy