CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Chuyển đổi số > Ứng dụng Công nghệ thông tin trong Cải cách hành chính của đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Gia

Ứng dụng Công nghệ thông tin trong Cải cách hành chính của đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ngày đăng bài: 18/11/2019
Thực hiện Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh về ban hành bộ chỉ số Cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá về nội dung thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước (Hiện đại hóa hành chính). Qua công tác kiểm tra đã đạt được những kết quả như sau:
Chất lượng thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các đơn vị đều đáp ứng theo quy định, cung cấp các thông tin như: giới thiệu cơ quan, đơn vị, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền, văn bản pháp luật, cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến quy hoạch, kế hoạch, dự án, đầu tư và các thông tin tổ chức, hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; các tin bài viết trên Trang thông tin điện tử được cập nhật thường xuyên; kịp thời cập nhật, bổ sung các thủ tục hành chính khi có sự thay đổi. Tuy nhiên, một số trang thành phần cấp xã của các đơn vị còn thiếu sót về nội dung, về thủ tục hành chính như: An Khê, Kông Chro, Phú Thiện…
Hệ thống thư điện tử tỉnh Gia Lai hoạt động từ năm 2015 đến nay (https://mail.gialai.gov.vn) đã trở thành phương tiện trao đổi thông tin chính thức giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh với tổ chức, cá nhân góp phần vào công tác cải cách hành chính, giảm văn bản giấy tờ, thực hiện tiết kiệm, tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đến nay số cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh có thư điện tử hơn 9.000 và tỷ lệ sử dụng khoảng 90% để trao đổi trong công việc.
Việc ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, thực hiện chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của các cơ quan hành chính. Việc gửi nhận văn bản, trao đổi thông tin được thực hiện hoàn toàn qua mạng, qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành bằng văn bản điện tử, thay vì văn bản giấy qua bưu điện; tổ chức hội họp, hội nghị qua mạng; giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, … đã thay đổi được tư duy làm việc theo kiểu thủ công sang việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của từng cán bộ, công chức, viên chức, giúp giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, không gian; tiết kiệm giấy, mực, in, photocopy nhân bản tài liệu, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm bớt thời gian hội họp bằng việc trao đổi ý kiến trên mạng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác, tăng cường sức mạnh của người quản lý. Từ đó nâng cao được năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, từng bước hiện đại hóa nền hành chính dần dần tiến tới thực hiện quản lý theo ISO điện tử. Đến nay, Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai cho tất cả cho các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và được kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản điện tử của quốc gia.
Hầu hết các đơn vị địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại đến cấp xã. Hệ thống một cửa điện tử đã tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị, địa phương. Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn thông qua hệ thống Một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh đến nay đạt tỉ lệ trên 95%. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng xin lỗi công dân, tổ chức trên hệ thống khi có hồ sơ xử lý trễ hạn vẫn chưa được địa phương thực hiện tốt như: Phú Thiện, Đak Pơ, Chư Păh, Mang Yang... Vẫn còn một số đơn vị chưa triển khai hệ thống một cửa đến cấp xã như UBND huyện Mang Yang. Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm đạt tỉ lệ thấp, một số đơn vị đạt kết quả tốt như Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư...
Các thủ tục hành chính được tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích đều đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, tỉ lệ hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả chưa đạt hiệu quả cao nhất. Chủ yếu thực hiện trả kết quả qua lĩnh vực chứng minh nhân dân, cấp đổi giấy phép lái xe.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, tăng cường sử dụng các hệ thống thông tin điện tử của tỉnh đã đầu tư để đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ tổ chức, công dân trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính; góp phần cải cách hành chính, giảm chi phí, đồng thời minh bạch hóa các hoạt động cơ quan nhà nước, nhất là các hoạt động có liên quan đến tổ chức, công dân.

                                                                                                                                                                 Ngọc Ánh