CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Chuyển đổi số > Nâng cấp, mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Gia Lai

Nâng cấp, mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Gia Lai

Ngày đăng bài: 08/07/2020
       Hệ thống hội nghị truyền hình (HNTH) tỉnh Gia Lai được đầu tư thí điểm năm 2010 (4 điểm cầu) và mở rộng toàn tỉnh vào năm 2011, gồm 20 điểm cầu (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và 17 UBND các huyện, thị xã, thành phố) đã được duy trì hoạt động thường xuyên và ổn định, kết nối từ UBND tỉnh đến UBND các huyện, thị xã, thành phố mang lại hiệu quả cao. Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, hệ thống có nhiều hạn chế như: công nghệ cũ, lạc hậu, thiết bị hư hỏng thường xuyên, nhiều thiết bị HNTH đã được đầu tư từ giai đoạn 2010-2011 các hãng sản xuất đều bị ngừng cung cấp vật tư, linh kiện thay thế và hỗ trợ cập nhật các phiên bản ứng dụng theo thống báo của hãng sản xuất (Polycom) từ ngày 31/5/2016.
       Thực hiện Thông báo Kết luận số 1023-TB/TU ngày 12/9/2018 của Thường trực Tỉnh uỷ về Đề án tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở, UBND tỉnh có Công văn số 416/UBND-KGVX ngày 27/02/2019 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, trong đó UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương “Chủ động bố trí kinh phí từ năm 2019 đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã để đảm bảo họp trực tuyến từ trung ương đến cơ sở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 về Quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước và của Tỉnh ủy Gia Lai tại Công văn số 1023-TB/TU ngày 12/9/2018 về Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về Đề án tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Phương án đầu tư cần tính toán hiệu quả, tận dụng các hạ tầng kỹ thuật hiện có, đồng thời phải có sự đồng bộ với hệ thống hiện có của tỉnh; do đó nên thực hiện theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 1057/STTTT-CNTT ngày 15/10/2018 về hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã".
       Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất và được tỉnh thống nhất cho thực hiện dự án “Nâng cấp Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Gia Lai để đảm bảo hạ tầng triển khai đến cấp xã” với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả trong công tác hội họp. Hệ thống được nâng cấp sẽ đầu tư, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị tại các điểm cầu của hệ thống hội nghị truyền hình hiện tại của tỉnh với công nghệ tiên tiến hơn về chất lượng hình ảnh, âm thanh, bảo mật, mã hóa dữ liệu mới; khắc phục hạn chế do hệ thống sử dụng công nghệ cũ, không còn được nhà sản xuất hỗ trợ kỹ thuật về phần cứng và phần mềm, đặc biệt là không cập nhật được các bản vá lỗi bảo mật từ nhà sản xuất, khó khăn trong vận hành hệ thống; đồng thời đáp ứng khả năng kết nối, chuyển tiếp các cuộc họp từ hệ thống hội nghị truyền hình Trung ương sang hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh; giúp cho cấp cơ sở được tiếp thu các chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp từ cấp Trung ương được đầy đủ, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí và góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao mức độ Chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
       Dự án sẽ nâng cấp, đầu tư, bổ sung hạ tầng kỹ thuật của hệ thống điều khiển trung tâm, cho phép các điểm cầu của hệ thống hội nghị truyền hình hiện tại và tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thể kết nối đồng thời vào hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh với chất lượng hình ảnh rõ nét (HD); đáp ứng khả năng về hạ tầng để tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh với 17 huyện, thị xã, thành phố và tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (trang thiết bị cấp xã do cấp huyện đầu tư); đồng thời các huyện, thị xã, thành phố có thể tổ chức cuộc họp liên huyện, tổ chức các cuộc họp riêng đồng thời, tránh việc đầu tư các thiết bị điều khiển trung tâm ở cấp huyện, gây lãng phí, khó đồng bộ.
       Đồng thời, một số địa phương cũng đang tiến hành đầu tư hệ thống này tại cấp xã như: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, các huyện: Chư Păh, Ia Pa, Chư Pưh, Đak Pơ, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Krông Pa,…(38 đơn vị cấp xã). Các đơn vị còn lại dự kiến năm 2020 sẽ triển khai hoàn thành.
      Dự án: “Nâng cấp hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Gia Lai để đảm bảo hạ tầng triển khai đến cấp xã” và việc UBND cấp huyện đầu tư hệ thống thiết bị đầu cuối đến cấp xã sẽ là một nội dung quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, phục vụ thiết thực trong công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo tỉnh. Việc triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến có khả năng kết nối từ cấp tỉnh, huyện đến tận xã, phường, thị trấn đồng bộ trong toàn tỉnh sẽ tạo sự thay đổi, nâng cao chất lượng quán triệt, học tập nghị quyết cũng như triển khai các nhiệm vụ của tỉnh của địa phương. Mặt khác, việc đầu tư nâng cấp hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Gia Lai để đảm bảo hạ tầng triển khai đến cấp xã là bước đột phá mới trong ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Đây là một bước đi trong tiến trình đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; từng bước xây dựng chính quyền điện tử và nền hành chính hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
Ngọc Thạch