CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Giới thiệu > Lịch sử hình thành và phát triển > SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG GIA LAI – 05 NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG GIA LAI – 05 NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày đăng bài: 01/03/2009
     Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập tại Quyết định Số: 127/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Gia Lai (trên cơ sở Sở Bưu chính Viễn thông thành lập ngày 10/01/2005 và chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 25/10/ 2005) có chức năng tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Là ngành đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực chính là bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, internet, tần số vô tuyến điện, điện tử, báo chí và xuất bản. Đây là một mảng quản lý rộng, vừa mang tính kinh tế, xã hội, vừa liên quan mật thiết đến quốc phòng, an ninh; đồng thời các lĩnh vực trên (gọi tắc là TT&TT) lại là lĩnh vực mới, phát triển nhanh, có tính công nghệ cao và đa dạng, nhạy cảm nên công tác quản lý nhà nước gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội. Năm năm qua, Sở TT&TT Gia Lai đã nổ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, qua đó đã tạo được uy tín của ngành đối với xã hội.

      Từ trước năm 2005, lĩnh vực này chưa có cơ quan chuyên môn quản lý chuyên ngành, việc quản lý một phần do UBND tỉnh trực tiếp thực hiện, phần khác do một số Sở khác tham mưu. Trước năm 2005, trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực BCVT chỉ có 02 doanh nghiệp hoạt động (Bưu điện tỉnh Gia Lai và Chi nhánh Mobiphone tại Gia Lai); mật độ điện thoại dưới 07 máy/100 dân, phần lớn, người dân sử dụng điện thoại cố định có dây, nhu cầu sử dụng internet của xã hội nói chung còn thấp; CNTT chưa được ứng dụng nhiều trong các hoạt động quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Ứng dụng CNTT trong QLNN chỉ có triển khai từ Đề án 112 của Chính phủ.
Từ năm 2005, hoạt động BCVT, CNTT trở nên sôi động hơn, mạng lưới BCVT trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh do có thêm một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BCVT, internet hoạt động; đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn có những chuyển biến tích cực. Các dự án đầu tư phát triển CNTT của các cấp, các ngành bước đầu đã xây dựng được hệ thống mạng cục bộ, mạng thông tin diện rộng…Đặc biệt là từ sau khi thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lĩnh vực báo chí và  xuất bản (BC&XB) được chuyển từ ngành văn hoá, thông tin (cũ) sang ngành thông tin và truyền thông quản lý đã đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông (TT&TT) nhiệm vụ hết sức nặng nề. Từ đó, việc tăng cường quản lý nhà nước về TT&TT đang trở thành một yêu cầu bức thiết.
      Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Sở đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo CNTT của tỉnh; tham mưu tỉnh thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành. Đặc biệt, đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn về nhân sự và nghiệp vụ quản lý ngành, đến nay các huyện, thị xã, thành phố đều bố trí cán bộ thuộc phòng Văn hóa Thông tin (trước Nghị định 14/2008/NĐ-CP là phòng Hạ tầng kinh tế hoặc Quản lý đô thị) chuyên trách quản lý về TT&TT, từng bước củng cố công tác quản lý Nhà nước về TT&TT ở cấp tỉnh và huyện; đồng thời đã tạo và giữ mối quan hệ đúng mực với lãnh đạo cấp trên; mối quan hệ phối hợp tốt với các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương nên việc triển khai công tác có nhiều mặt thuận lợi.
      Đối với doanh nghiệp, Sở đã tổ chức làm việc theo từng chuyên đề cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, qua đó Sở nhận được sự ủng hộ và hợp tác nhiều mặt, có hiệu quả của các doanh nghiệp trong ngành trong việc cung cấp số liệu, báo cáo định kỳ, phản ánh những vướng mắc trong quá trình hoạt động, từ đó có những tham mưu kịp thời với tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về TT&TT cũng như làm cầu nối cho doanh nghiệp và chính quyền các cấp để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
      Khi thành lập Sở, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về lĩnh vực quản ngành do UBND tỉnh ban hành hầu như chưa có gì. Từ năm 2005 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy ban hành 13 văn bản QPPL về các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành về TT&TT, trong đó phải kể đến các văn bản quan trọng làm cơ sở cho quản lý và phát triển ngành như: Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND “Về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính Nhà nước phục vụ cải cách hành chính”; Quyết định số 101/2007/QĐ-UBND, Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND về phê duyệt Quy quy hoạch tổng thể phát triển BCVT, CNTT tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;  Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 11/02/2010 “về tăng cường sự Lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 08/9/2009 “về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai” ...và nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với lĩnh vực TT&TT. Đồng thời tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, hội nghị tập huấn nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và tăng cường quản lý ngành cũng như thực hiện tốt việc tuyên truyền pháp luật thông qua các cơ quan thông tấn báo chí từ tỉnh đến cơ sở.
          Về hợp tác phát triển, Sở đã ký hợp tác phát triển về TT&TT với Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh, Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng. Với sự hợp tác, giúp đỡ của Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh, Sở TT&TT Đà Nẵng và với một số đơn vị trong ngành, thì nhiều lượt cán bộ của Sở và đơn vị trực thuộc được đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ cũng như trao đổi về kinh nghiệm quản lý, chia xẻ các sản phẩm CNTT ...Hiện nay, Sở đang phối hợp với Sở TT&TT và Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Gia Lai xây dựng và triển khai Dự án ứng dụng CNTT hỗ trợ chẩn đoán bệnh qua mạng giữa các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh với bệnh viện tuyến tỉnh Gia Lai.
      Việc đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các cuộc thi ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính cho cán bộ CCVC của tỉnh luôn được chú trọng. Các chương trình, đề án, dự án của ngành được tham mưu thực hiện tốt, đặc biệt là việc tham mưu xây dựng và triển khai chương trình viễn thông công ích, bưu chính công ích của Chính phủ, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Công tác thanh tra chuyên ngành TT&TT đã được quan tâm, từ năm 2005 đến nay đã tiến hành thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TT&TT với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng, một số đơn vị, doanh nghiệp trong ngành mắc sai phạm đã được chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời, các hành vi vi phạm đã được hạn chế.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn lĩnh vực ngành cũng là một nội dung luôn được quan tâm. Theo đó, đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện 02 Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh; giúp các hội, đoàn thể trong tỉnh xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, dự án như giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng Đề án “Đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực CNTT trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai"; giúp Tỉnh đoàn xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên ứng dụng Internet”; giúp Hội Nông dân tỉnh xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng Internet phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn”; đặc biệt là hỗ trợ Công an tỉnh giám định, thu thập và phục hồi dữ liệu phục vụ điều tra phòng chống tội phạm liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
      Tiếp nhận công tác quản lý nhà nước về BC&XB từ Sở Văn hóa Thông tin (cũ), Sở đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch báo chí in đến năm 2015 định hướng đến năm 2020; tham mưu tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt báo chí đầu năm và nhân ngày Báo chí CMVN 21/6  hàng năm nhằm đánh giá sự đóng góp của báo chí TW và các tỉnh, thành khác đối với Gia Lai; chấn chỉnh hoạt động các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các báo thông qua việc kiểm tra theo quy định của pháp luật. Việc Sở tổ chức giao ban báo chí 02 tuần/01 lần với sự tham gia của một số đơn vị quản lý nhà nước đã kịp thời cung cấp thông tin và định hướng cho hoạt động báo chí.
       Từ một số công tác tham mưu quản lý đó đã góp phần đưa hoạt động BCVT, CNTT, BC&XB dần đi vào nề nếp, đúng định hướng phát triển và theo quy định của pháp luật
Mạng lưới bưu chính đã phủ kín địa bàn tỉnh với bán kính phục vụ bình quân là 3,74 km/điểm, có 94,5% xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày, việc cung cấp phát báo đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Toàn bộ các địa phương trong tỉnh đã có sóng điện thoại; hệ thống cáp quang đã đến cấp xã; hiện có 1.194 trạm thu phát sóng, tăng 1.114 trạm so với năm 2005. Tỷ lệ thuê bao (TB) điện thoại đạt 88 TB/100 dân, tăng gấp 13 lần so với năm 2005. Tổng số thuê bao Internet là 26.418 TB, tăng 23.878 thuê bao so với năm 2005; tỷ lệ số dân thường xuyên sử dụng internet là 13,6%, tăng gấp 07 lần so với năm 2005. Doanh thu bưu chính, viễn thông đã đạt trên 800 tỷ đồng/năm, trong giai đoạn 2005–2010 mỗi năm từ 50% đến 80%; góp phần đáng kể vào tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
       Hoạt động báo chí cũng có bước phát triển nhanh, phong phú cả về số lượng và chất lượng: Số lượng Văn phòng thường trú và Phóng viên thường trú các báo trung ương và ngành trên địa bàn tỉnh tăng từ 09 đơn vị vào năm 2005 lên 16 đơn vị. Báo Gia Lai từ 6 ấn phẩm báo chí năm 2005 đến nay đã có 8 ấn phẩm báo chí, báo ngày phát hành từ 6.000 tờ đến nay đã phát hành trên 7.000 tờ/số, việc thành lập Báo Gia Lai điện tử vào năm 2009 đã đem thông tin về Gia Lai đến toàn thế giới. Đài Phát thanh - truyền hình Gia Lai không ngừng tăng thời lượng phát sóng, mở rộng phạm vi phủ sóng, thêm chương trình tiếng Jrai và Bahnar ... đã kịp thời truyền tải các hoạt động của tỉnh nhà. Báo chí đã cùng với tỉnh tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, cổ vũ, động viên kịp thời các việc làm tốt của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; đồng thời thường xuyên phản ánh  kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm trên các lĩnh vực hoạt động, nhất là các vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm. Mỗi ngày, trung bình có hơn 10 tin bài của các báo trung ương, bộ ngành và trên các trang thông tin điện tử viết về Gia Lai.  Đặc biệt, tỉnh Gia Lai tổ chức các sự kiện lớn như Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số, Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV … hoạt động báo chí đã góp phần tạo nên sự thành công, được Lãnh đạo tỉnh, Trung ương và các địa phương bạn đánh giá cao.
Về CNTT, lãnh đạo các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng và phát triển CNTT trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, lĩnh vực CNTT những năm gần đây được sự quan tâm nên có nhiều khởi sắc. Tính đến cuối năm 2010, có trung bình 2,5 máy tính/100 dân, tăng khá nhiều so với năm 2005 (dưới 01 máy tính/100 dân); hơn 90% cơ quan, đơn vị kết nối Internet băng thông rộng,  hơn 24 đơn vị nhà nước có website và đảm bảo 60% các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được đưa lên trang thông tin của tỉnh; bên cạnh đó nguồn lực CNTT cũng phát triển, có khoảng 4.000 CBCCVC có trình độ A tin học hoặc tương đương, có hơn 1.300 lượt CBCCVC được đào tạo chuyên sâu kiến thức về CNTT như quản trị mạng; lắp ráp, cài đặt, xử lý sự cố máy tính và bảo trì các thiết bị ngoại vi; thiết kế mạng máy tính và an ninh mạng; quản lý dự án công nghệ thông tin...hơn 90% CBCCVC sử dụng được máy vi tính, có hơn 2.000 tài khoản thư điện tử cho CBCCVC của tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 34/2008/CT-TTg ngày 03/12/2008 về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước”. Bên cạnh đó, hạ tầng CNTT cũng dần được chú ý đầu tư như việc triển khai hoàn thành dự án đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng hệ thống hosting phục vụ phát triển CNTT&TT tỉnh Gia Lai; dự án Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai, dự án Hội nghị qua truyền hình đang được tích cực triển khai. Qua đó góp phần tăng cường trao đổi thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước trên môi trường mạng, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, thông tin nhanh vừa tiết kiệm chi phí trong hoạt động của các đơn vị, cũng là chuẩn bị điều kiện để triển khai Chính phủ điện tư tại tỉnh trong thời gian tới cũng nhưu tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí...nhất là các đơn vị ở tuyến huyện trong việc sử dụng hình thức hội họp qua truyền hình.
Nhiều Đề tài khoa học ứng dụng CNTT cũng được triển khai trong giai đoạn 2005-2010 như "Từ điển điện tử phương ngữ Jrai-Việt", “Từ điển điện tử phương ngữ Bahnar-Việt”, "Ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch bệnh", "Ứng dụng CNTT trong quản lý tội phạm "….
       Tuy vậy, cũng chính vì sự phát triển quá nhanh, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TT&TT đã bộc lộ nhiều thiếu sót, tồn tại, không theo kịp sự phát triển của ngành. Việc phổ cập Internet và điện thoại bên cạnh những mặt tốt cũng xuất hiện một số mặt trái gây bức xúc dư luận như: các hệ lụy của việc nghiện Online game; việc quấy rối, đe dọa, lừa đảo qua điện thoại di động và mạng Internet; việc tung tin thất thiệt, bôi nhọ cá nhân trên các trang thông tin điện tử, báo chí; xâm phạm an ninh quốc gia ...  Kinh phí đầu tư cho CNTT còn hạn chế; việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu và yếu, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT còn hạn chế gây khó khăn trong công tác triển khai. Nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình ở cơ sở còn hạn chế; hầu hết trụ sở làm việc của các đài đều đã xuống cấp. Hệ thống truyền thanh FM ở các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hư hỏng nhưng không được đầu tư; số lượng viên chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền bằng tiếng dân tộc và biên chế cho các trạm phát lại truyền hình vùng lõm trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Trong khi đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành TT&TT còn thiếu và chưa chặt chẽ, cơ quan giúp chính quyền quản lý lĩnh vực này cũng mới hình thành, non trẻ, thiếu kinh nghiệm.
      Từ đó, việc định hướng và xây dựng kế hoạch của Sở về quản lý, phát triển ngành TT&TT trong những năm sắp đến là việc hết sức cấp thiết và quan trọng, với mục tiêu chung là đẩy mạnh, tăng tốc hơn nữa sự phát triển tất cả các lĩnh vực trong ngành TT&TT nhằm đưa ngành này thành một ngành kinh tế - xã hội mũi nhọn của tỉnh, đóng góp ngày càng nhiều cho GDP của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội.
       Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Sở TT&TT Gia Lai tiếp tục khắc phục những khó khăn, tồn tại, tiếp tục có những giải pháp tối ưu để tổ chức thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, trọng tâm là: Tiếp tục củng cố bộ máy, tổ chức, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước các cơ quan chuyên trách về TT&TT từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tăng cường rà soát, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TT&TT, đồng thời tuyên truyền, giáo dục sâu rộng việc thực hiện pháp luật về TT&TT trong nhân dân.
       Bám sát nhiệm vụ chính trị của trung ương và địa phương nhằm định hướng thông tin cho báo chí để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền. Thường xuyên tổ chức giao ban báo chí, họp báo để cung cấp thông tin kịp thời, chính thống cho báo giới. Quản lý tốt hoạt động in và xuất bản trên địa bàn. Tham mưu, đề xuất các dự án đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở, nâng cấp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đảm bảo đủ điều kiện để đưa chương trình truyền hình của tỉnh lên vệ tinh.
      Tích cực có các biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý và xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính. Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, thực hiện thương mại điện tử. Tham mưu các giải pháp kích cầu, hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ người dân sử dụng máy tính hơn 6,5 máy/100 dân.
Thực hiện phổ cập các dịch vụ BCVT, Internet. Hỗ trợ các doanh nghiệp BCVT phát triển, cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Quản lý chặt chẽ hoạt động truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và các dịch vụ công ích bưu chính, viễn thông cũng như thực tốt việc quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý đại lý Internet. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông phù hợp với quy hoạch đô thị và mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc. Phấn đấu doanh thu BCVT giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân mỗi năm từ 10% đến 15%, đạt trung bình 1.110 tỷ đồng/năm.
Kết quả đạt được 5 năm qua của ngành TT&TT tỉnh Gia Lai là tín hiệu đáng mừng, trong đó vai trò quản lý nhà nước của Sở hết sức quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển chung của tỉnh, tạo đà cho ngành TT&TT thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015 bằng nhiều biện pháp quyết liệt và sáng tạo, năng động, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục đưa sự nghiệp TT&TT của tỉnh phát triển nhanh và bền vững./.