CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > Kết quả bước đầu trong xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai

Kết quả bước đầu trong xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai

Ngày đăng bài: 10/06/2020
          Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, ngày 11/02/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về “tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh” để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các lĩnh vực đời sống xã hội, trọng tâm là việc xây dựng Chính quyền điện tử. Đồng thời Tỉnh ủy Gia Lai cung đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/7/2016 về cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, trong đó cũng có nội dung hiện đại hóa nền hành chính, trọng tâm là triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.
           Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 05 năm (Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 20/11/2016) và hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai; ban hành Khung kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh Gia Lai (Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 29/12/2017); Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ "về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025" (Kế hoạch số 648/KH-UBND ngày 19/3/2019); xây dựng Đề án "Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh"...Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã trở nên khá phổ biến, góp phần đắc lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống.
4-(1).png
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai ứng dụng
phần mềm Một cửa điện tử trong tiếp nhận hồ sơ trực tiếp (Ảnh đồng nghiệp)
            Để tập trung vào công tác chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban là 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông là thành viên thường trực, kiêm Thư ký của Ban Chỉ đạo, các thành viên là Giám đốc các sở, ngành để đảm bảo việc triển khai Chính quyền điện tử một cách đồng bộ.
            Hằng năm, Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử đều thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công tác xây dựng Chính quyền điện tử tại các sở, ngành, UBND cấp huyện. Đồng thời, thông qua kế hoạch kiểm tra Cải cách hành chính hằng năm, nội dung về kiểm tra ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đưa vào kế hoạch này.
            Thông qua công tác kiểm tra, đánh giá này để thực hiện theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn để các đơn vị, địa phương tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử.
            Đối với việc đầu tư các hệ thống phục vụ Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu để triển khai các phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất toàn tỉnh; các sở, ngành, UBND cấp huyện nếu thực hiện đầu tư phần mềm, thì Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác kiểm tra, thẩm định để đảm bảo tính thống nhất, kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu, tiết kiệm chi phí đầu tư.
            Hằng năm đều tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và cán bộ công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng luôn được chú trọng.
5.png
Các thí sinh đang thi thực hành trên máy tính 
tại Hội thi Tin học khối CBCCVC tỉnh Gia Lai 
 
Gia Lai là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn so với các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT ở tỉnh Gia Lai bước đầu cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, đã đạt được một số kết quả như:
   Hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử liên thông đã được triển khai từ tỉnh tới cấp xã từ năm 2016, kết nối với Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia từ năm 2018 và được tích hợp chữ ký số để xác thực văn bản điện tử, đã thay thế hơn 90% văn bản giấy, rút ngắn rất nhiều thời gian trong xử lý công việc, giúp lãnh đạo các cấp giám sát, theo dõi công việc tại đơn vị mình, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí... Hiện nay hệ thống này tích hợp thêm phần mềm "Quản lý giao việc của UBND tỉnh" để theo dõi, đôn đốc công việc, có hiệu quả cao hơn; đồng thời kết nối với phần mềm "1 cửa điện tử" để thống nhất trong sử dụng. Tính tới ngày 02/3/2020, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 2.700.000 lượt trao đổi văn bản điện tử.
   Hệ thống một cửa điện tử liên thông đã triển khai đến các sở, ngành, 100% UBND cấp huyện, 100% cấp xã và được tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được xây dựng từ năm 2016, cung cấp 309 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chủ yếu là cấp sở, ban ngành và UBND cấp huyện; UBND cấp xã chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4). Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch 2575/KH-UBND ngày 18/11/2019 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Gia Lai đến năm 2021, để đảm bảo cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Gia Lai ; đến nay đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia để cung cấp tất cả các thông tin liên quan tới giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp. Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cũng đã tích hợp phần phản ánh, đánh giá của người dân đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Đến ngày 02/3/2020, hệ thống đã tiếp nhận 57.012 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 97,8% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống. Với nhiều giải pháp quyết liệt; các đơn vị, địa phương đã giảm sâu về tỷ lệ hồ sơ trễ hạn qua từng tháng; nhiều đơn vị, địa phương không có hồ sơ trễ hạn (tỷ lệ trễ hạn 0%).
            Kênh Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai cũng đã được thiết lập trên ứng dụng ZALO. Thông qua kênh này, giúp công dân, doanh nghiệp có được kênh giao tiếp nhanh chóng với cơ quan hành chính nhà nước. Các thông tin muốn truyền tải đến công dân, doanh nghiệp được nhanh hơn; giúp công dân, doanh nghiệp tra cứu, theo dõi tình trạng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được kịp thời; cung cấp các thông tin cần thiết như: tài liệu quy hoạch, thông tin tuyển dụng, dự án kêu gọi đầu tư, kế hoạch đấu thầu, giá đất...
            Hệ thống Hội nghị truyền hình đang được triển khai từ cấp tỉnh tới cấp huyện (100%). Hàng năm tổ chức hơn 30 cuộc họp trực tuyến, tiết kiệm hàng tỷ đồng và thời tiết kiệm thời gian, mở rộng đối tượng tham gia. Đồng thời đã triển khai Đầu tư hệ thống HNTH và màn hình LED tại Hội trường 2-9 để phục vụ các cuộc họp có số lượng người đông và chuyển tiếp các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến các huyện và nâng cấp hệ thống HNTH đảm bảo hạ tầng triển khai đến cấp xã sẽ thực hiện hoàn thành trong năm 2020. Hiện nay, một số địa phương cũng đang tiến hành đầu tư hệ thống này tại cấp xã như: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, các huyện: Chư Păh, Ia Pa, Chư Pưh, Đak Pơ, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Krông Pa,…(38 đơn vị cấp xã). Các đơn vị còn lại dự kiến năm 2020 sẽ triển khai hoàn thành.
              Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh cũng đã được đầu tư từ năm 2009 để giúp cán bộ, công chức, viên chức trao đổi công việc hằng ngày. Đã cấp hơn 9.000 hộp thư điện tử công vụ; tỷ lệ CCVC thường xuyên sử dụng đạt hơn 70%; lưu lượng thư điện tử công vụ đạt hơn 3.000 thư/ngày.
              Đối với Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) sau hơn một năm khởi động, cả việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng thẩm định của UBND tỉnh tham gia các nội dung, phương án triển khai cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đáp ứng các quy định của pháp luật, ngày 20/01/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã phê duyệt thông qua tại Quyết định số 26/QĐ-UBND. Đề án đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ xây dựng, phát triển hạ tầng trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 như: Nhóm nhiệm vụ về cơ sở dữ liệu; nhóm nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; nhóm nhiệm vụ về phát triển, quản lý hạ tầng đô thị thông minh…Sở TT&TT đang tổ chức phối hợp với các ngành, UBND thành phố Pleiku triển khai các nội dung của Đề án với mức kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2020 là 80 tỷ đồng.
            Từ những kết quả trên, năm 2019, chỉ số đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT xếp hạng 23/63 (tăng 1 bậc so với năm 2018); Chỉ số "Hiện đại hóa nền hành chính" thuộc Bộ chỉ số CCHC xếp hạng 14/63 (tăng 20 bậc so với năm 2018); Chỉ số thành phần “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” thuộc Bộ chỉ số PCI xếp hạng 13/63 (tăng 8 bậc so với năm 2018).
            Trong thời gian đến, từ những kết quả đã đạt được, Gia Lai tiếp tục có những giải pháp trong việc xây dựng "Chính quyền điện tử" tiến tới "Chính quyền số", đưa việc ứng dụng CNTT trở thành một nền tảng cho sự phát triển của các mặt kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện các chỉ đạo tại Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có các nội dung quan trong như: “Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”./.
Nguyễn Trâm