CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Chuyển đổi số > TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ “XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PLEIKU THEO HƯỚNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH”

TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ “XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PLEIKU THEO HƯỚNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH”

Ngày đăng bài: 22/11/2018
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển Đô thị thông minh được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung ương quan tâm chỉ đạo; đến nay, cả nước đã có hơn 20 tỉnh, thành phố đang xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh; một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như: Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh...
Thành phố thông minh (TPTM) hay đô thị thông minh (ĐTTM) là một khái niệm mới, có nhiều khái niệm và quan điểm khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, các khái niệm đó có điểm thống nhất chủ yếu là : Xây dựng và vận hành hoạt động của thành phố dựa trên nền tảng phát triển tổng thể công nghệ số, vi mạch, internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), hệ thống bảo mật đảm bảo tính riêng tư, viễn thông... nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng tiện lợi và hạnh phúc, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, phát huy sự đóng góp của doanh nghiệp, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường....
Đô thị thông minh đòi hỏi nền quản trị thông minh. "Chính phủ điện tử" chắc chắn là một phần quan trọng trong nội dung xây dựng thành phố thông minh, đi cùng với nó là "thương mại điện tử", "doanh nghiệp điện tử" và "công dân điện tử"....
Có nhiều yếu tố cơ bản cấu thành nên Đô thị thông minh như : “Cuộc sống thông minh”, “Giao thông thông minh”, "Y tế thông minh", "Giáo dục thông minh", "Nông nghiệp thông minh", "Du lịch thông minh"; "Quản trị an ninh thông minh"....
Trong xây dựng Đô thị thông minh thì Con người phải là trung tâm, công nghệ không là yếu tố quyết định. Các yếu tố về văn hóa, giáo dục, luật và thực thi luật pháp... là những nền tảng cơ bản để tạo ra những con người thông minh. Về công nghệ, chú trọng mục tiêu về nền tảng thiết bị, công cụ công nghệ thông tin; các tiêu chuẩn, chuẩn mực hạ tầng; các thiết bị liên quan đến dữ liệu; kết nối mạng; an toàn an ninh thông tin....
Việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, nhất là về nguồn lực con người, nguồn lực kinh phí...do đó đòi hỏi phải có sự đồng thuận, chung tay của từng người dân, của các doanh nghiệp và quyết tâm của chính quyền các cấp.
Tại Việt Nam hiện nay, chưa có đủ các hướng dẫn về xây dựng Đô thị thông minh, đầu năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Công văn số 58/BTTTT-KHCN ngày 22/01/2018 hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.
dttm1.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Đến ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án).
 
Theo Đề án, mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Trong đó, thực hiện rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển đô thị thông minh bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm; xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác;... Đến năm 2025, thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh. Trong đó, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các đô thị thông minh, ưu tiên cho các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai và hệ thống hạ tầng ICT;...Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Cụ thể, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
dttm2.jpg
Giám đốc (bên phải) và công chức Sở TT&TT Gia Lai tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT&TT Việt Nam lần thứ XXII tại tỉnh Vĩnh Long 29/8/2018
Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về nguyên tắc 07 nhóm nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện Đề án kèm theo lộ trình và phân công thực hiện, bao gồm: Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam; thiết lập, duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh số hóa liên thông đa ngành; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh; lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành đô thị thông minh theo các giai đoạn.
Hiện nay, Đề án về Đô thị thông minh của các tỉnh, thành phố cũng có điểm khác biệt, tuy vẫn tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như: chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh; du lịch thông minh, an toàn an ninh... và cho đến nay vẫn chưa có một sơ kết đánh giá nào về hiệu quả triển khai.
Từ đó, Quyết định số 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 là cơ sở để các tỉnh, thành phố vận dụng để thực hiện.
Tại tỉnh Gia Lai, thực hiện các Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 của HĐND tỉnh khóa XI về thực hiện nhiệm vụ năm 2018, trong đó có nội dung xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh” (sau đây gọi tắt là "Đề án"), UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án từ năm 2018 để tạo cơ sở, tiền đề cho việc xây dựng đô thị thông minh trong tương lai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Triển khai xây dựng Đề án, Sở TT&TT đã đề xuất và được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chọn 03 đơn vị tư vấn (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Liên danh SPR-IQCT giữa Công ty Cổ phần SPR Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế IQCT)  cùng tham gia giúp tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh”. Đồng thời,  Sở TT&TT tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cần thiết phải có các hội thảo khoa học nhằm làm rõ hơn về việc xây dựng Đô thị thông minh, tuyên truyền để mọi người dân, mọi doanh nghiệp cùng chung tay với chính quyền trong việc định hướng và đầu tư xây dựng Đô thị thông minh.
dttm3.jpg
Quang cảnh tại Hội thảo “Giải pháp xây dựng đô thị thông minh” do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 06/8/2018
Theo đó, ngày 08/6/2018, Sở TT&TT tỉnh Gia Lai đã chủ trì phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp xây dựng đô thị thông minh”. Thông qua Hội thảo, các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc tư vấn về Đô thị thông minh đã trình bày các định hướng và giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong việc xây dựng đô thị thông minh trong thời gian đến; đồng thời tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư vào tỉnh Gia Lai trong lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh Gia Lai, nhất là thành phố Pleiku sẽ có thêm các góc nhìn về đô thị thông minh, có thêm kinh nghiệm trong việc định hướng tham gia xây dựng đô thị thông minh ở đơn vị, địa phương mình để tìm ra các bước đi thích hợp trong việc xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, thương mại điện tử làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Đến nay, 03 đơn vị tư vấn cho tỉnh Gia Lai xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh”đã gửi Đề án, để hoàn thiện Đề án nêu trên đảm bảo các quy định của Trung ương, nội dung phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Gia Lai và của thành phố Pleiku, các vấn đề cấp thiết mà lãnh đạo tỉnh và thành phố Pleiku đang quan tâm hiện nay; Sở TT&TT thành lập Tổ tư vấn (do 01 Phó Giám đốc Sở TT&TT phụ trách lĩnh vực Công nghệ thông tin làm Tổ trưởng), Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku cử công chức/viên chức có chuyên môn quản lý về đô thị, công nghệ thông tin, xây dựng, tài nguyên và môi trường cùng các chuyên gia trong ngành TT&TT của tỉnh tham gia vào Tổ tư vấn để hoàn thiện Đề án nói trên, kịp thời gửi các Bộ, ngành Trung ương thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.
dttm4.jpg
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến Đề án “Xây dựng TP Pleiku theo hướng  đô thị thông minh” do UBND TP Pleiku tổ chức ngày 09/8/2018
Cũng còn lắm gian nan để tìm ra giải pháp “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh”. Tuy vậy, các ngành tỉnh Gia Lai và Ủy ban nhân nhân thành phố Pleiku, Tổ tư vấn cũng đang phối hợp hoàn thiện Đề án. dự kiến Đề án sẽ thông qua trong tháng 12/2018 để triển khai giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2025 với các nội dung cơ bản như: Đề án đảm bảo các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chinh phủ tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030;  Theo chuẩn chung quy định và các hướng dẫn tại Công văn số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Phù hợp với năng lực tài chính và nhân lực của thành phố Pleiku và của tỉnh Gia Lai. Huy động được các nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp; Đáp ứng các nhu cầu bức thiết của người dân, tạo tác động ngay đến người dân như các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, an ninh trật tự....; Đảm bảo an toàn an ninh, gồm: an ninh về đời sống của người dân và an toàn an ninh thông tin, bảo mật thông tin cá nhân....; Phù hợp với các vấn đề cấp thiết mà lãnh đạo tỉnh và thành phố Pleiku đang quan tâm hiện nay (đối với thành phố Pleiku) như: Du lịch, Cải cách hành chính (xây dựng Chính quyền điện tử), quản lý đô thị, môi trường, sức khỏe … Có lộ trình đầu tư rõ ràng, hợp lý và khả thi./.
 Trâm Nguyễn