CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Chuyển đổi số > Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0

Ngày đăng bài: 10/06/2020
Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả và tránh đầu tư trùng lặp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành theo Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019.

 
Mục đích của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 mới được Bộ TT&TT ban hành, là nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử; hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương.
          Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam bao gồm các thành phần cơ bản: mục đích và phạm vi áp dụng, các nội dung khung kiến trúc, các mô hình tham chiếu, sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam và tổ chức thực hiện.
          Cùng với việc hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những nội dung cơ bản trong Kiến trúc Chính phủ điện tử, tại Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ TT&TT cũng nêu rõ, quá trình xây dựng, áp dụng các nội dung Kiến trúc Chính phủ điện tử phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan; phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia; bảo đảm đầu tư triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả; phù hợp với quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy cải cách quy trình nghiệp vụ, hướng tới đơn giản hóa, chuẩn hóa; ưu tiên phát triển các dịch vụ, ứng dụng, nền tảng dùng chung…
          Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước cũng quy định: việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thiết kế và triển khai thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành. Như vậy cho ta thấy được tầm quan trọng của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử.
          Một nội dung mới nổi bật của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là 05 mô hình tham chiếu (nội dung mà các bộ, ngành, địa phương tham chiếu trong quá trình xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của mình) về nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng, công nghệ và an toàn thông tin. Cùng với đó, phiên bản mới của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cũng ban hành kèm theo danh mục các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử Việt Nam.
          Tại Gia Lai, Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 1.0 cũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 29/12/2017, và đã triển khai được một số nội dung như:
- Hệ thống Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến huyện và hiện nay đang triển khai đến cấp xã, tỷ lệ các cuộc họp trực tuyến đạt trên 30%, tiết kiệm hàng năm về chi phí hội họp hàng chục tỷ đồng.
- Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai đến tất cả cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, thực hiện việc gửi - nhận văn bản điện tử kết hợp với chữ ký số (không gửi văn bản giấy) và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia (phiên bản 2.0) từ ngày 12/3/2019, đảm bảo liên thông 04 cấp.
- Hệ thống Một cửa điện tử đã triển khai tới 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã, đồng thời được tích hợp với Cổng dịch vụ công, kết nối ứng dụng ZALO để công dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin về tình hình giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
- 100% đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện có Cổng/Trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định và các thông tin mà người dân, doanh nghiệp quan tâm; nhiều UBND cấp xã cũng đã xây dựng các trang thông tin điện tử.
- Đã triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công  và thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo hướng dẫn của Trung ương, có nhiều biện pháp để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ Bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính. Cổng dịch vụ công cũng đồng thời cung cấp chức năng đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân trong thực hiện các giao dịch đối với các cơ quan hành chính nhà nước.
- Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh” đã được UBND tỉnh phê duyệt, để các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có cơ sở triển khai.
      Tuy nhiên, công nghệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển nhanh chóng, các quốc gia trên thế giới nói chung và các tỉnh thành trong cả nước nói riêng đang ứng dụng các công nghệ mới mạnh mẽ trong phát triển Chính phủ điện tử; để phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai, Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai cũng cần phải được cập nhật phù hợp với xu thế này.   Trong bối cảnh đó, ngày 27/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2020, trong đó có giao Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung, nâng cấp Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai phiên bản 2.0, hoàn thành trong năm 2020.
Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai phiên bản 2.0 là cơ sở để các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai Chính quyền điện tử một cách có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lắp, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Gia Lai. Dự kiến Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai phiên bản 2.0 sẽ được UBND tỉnh phê duyệt trong Quý IV/2020./.
Phan Đình Hiếu