CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Chuyển đổi số > Gia Lai triển khai Đề án: Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh

Gia Lai triển khai Đề án: Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh

Ngày đăng bài: 05/06/2020
     Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) sau hơn một năm khởi động, cả việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng thẩm định của UBND tỉnh tham gia các nội dung, phương án triển khai cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đáp ứng các quy định của pháp luật, ngày 20/01/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt thông qua tại Quyết định số 26/QĐ-UBND. Đề án đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ xây dựng, phát triển hạ tầng trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 như: Nhóm nhiệm vụ về cơ sở dữ liệu; nhóm nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; nhóm nhiệm vụ về phát triển, quản lý hạ tầng đô thị thông minh…
30-(2).png

Quang cảnh Hội thảo Giải pháp xây dựng đô thị thông minh tổ chức tại thành phố Pleiku vào ngày 08/6/2018
 
 Q
       Căn cứ Nghị quyết số 199/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2020, Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2020 (trong đó có nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh để thực hiện Đề án Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2020, với mức kinh phí dự kiến khoản 80 tỷ đồng) và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2020 được ban hành tại Quyết định số 1811/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; ngày 14/02/2020, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan (UBND thành phố Pleiku; Công an tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính) để thống nhất phương án triển khai Đề án nêu trên trong năm 2020 và báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
      Tại buổi họp, các đơn vị đã thống nhất căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của UBND tỉnh Gia Lai, từng đơn vị chủ trì thực hiện, tổ chức khảo sát, lựa chọn nội dung ưu tiên, cụ thể để triển khai; đồng thời dự kiến mức kinh phí để thực hiện (bước đầu lập thuyết minh và dự toán, trong đó thể hiện rõ nội dung, danh mục đầu tư). Các nội dung triển khai của Đề án không phải chỉ thực hiện trong năm 2020, nhiều nhiệm vụ có thể kéo dài, kinh phí lớn. Với tổng mức kinh phí được bố trí trong năm 2020 để triển khai Đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, không thể đảm bảo cho tất cả các nhiệm vụ triển khai đồng thời hoặc hoàn thành trong năm 2020. Do vậy khi xây dựng dự án triển khai các nhiệm vụ, các đơn vị chủ trì có thể lựa chọn nội dung cần ưu tiên thực hiện trước trong năm 2020 và dự kiến phân kỳ thực hiện hằng năm để đề xuất tiếp tục bố trí kinh phí trong các năm tiếp theo.
        Theo đó, đối với nội dung triển khai của năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số nhằm tạo kênh truyền thông trực tuyến hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh du lịch Gia Lai nói chung và thành phố Pleiku nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước. Hỗ trợ người dân, du khách tìm hiểu thông tin, lên kế hoạch chuyến đi trước khi đến Gia Lai cũng như dễ dàng truy cập, tra cứu thông tin, sử dụng các tiện ích trực tuyến khi tham quan, lưu trú tại tỉnh. Các ứng dụng này ngoài cung cấp đầy đủ thông tin du lịch còn có các tiện ích tương tác thông minh: bản đồ tương tác, tạo lịch trình tự động, tìm kiếm bằng giọng nói, từ điển chuyển đổi, thăm quan ảo, nhận diện điểm đến, hướng dẫn viên ảo…
       Cổng thông tin đồng thời là cầu nối trung gian, hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh, kết nối doanh nghiệp - du khách.
        Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất trong năm 2020 thực hiện các nội dung như xây dụng cổng dữ liệu mở tỉnh Gia Lai; xây dựng ứng dụng đô thị thông minh trên di động; nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ Chính quyền điện tử và triển khai xây dựng các nền tảng cho đô thị thông minh.
Dữ liệu mở là các dữ liệu chuyên ngành do nhà nước công bố, cấp phép để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lại hoặc phân phối. Triển khai hệ thống dữ liệu mở là một hợp phần không thể thiếu của xây dựng đô thị thông minh, nhằm bảo đảm quyền truy cập tới các dữ liệu của chính phủ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và sự tham gia hợp tác của người dân, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, giá trị mới cho xã hội.
      Cổng thông tin dữ liệu mở (Open Data Portal) là nơi công bố dữ liệu công khai. Dữ liệu được kết xuất tự động từ các cơ sở dữ liệu nền, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từ các hệ thống thông tin, ứng dụng đô thị thông minh hoặc từ điều tra, khảo sát.
        Ứng dụng hoạt động trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng,...cung cấp, kết nối đến các dịch vụ của đô thị thông minh, cung cấp các thông tin cần thiết cho người dân và khả năng tương tác giữa người dân và chính quyền về chất lượng dịch vụ công, tiếp nhận phản ánh về các vấn đề của đô thị (an ninh an toàn, môi trường, mỹ quan đô thị,…)
Trung tâm Tích hợp dữ liệu (data center) tỉnh Gia Lai với quy mô nhỏ được đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2018; hiện nay đang được bổ sung các thiết bị mạng, bảo mật, máy chủ, lưu trữ,… để phục vụ cho các ứng dụng dùng chung của tỉnh. Tuy nhiên hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu hiện tại đặt trong khu dân cư, diện tích sàn nhỏ nên chưa bố trí hệ thống điện dự phòng (máy phát điện) để đảm bảo cho hệ thống hoạt động liên tục 24/7 và rất dễ xảy ra hoả hoạn (gần tiệm vải) nên công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin thấp, chưa đảm bảo… Do vậy, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh chưa thể đáp ứng tốt cho nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Chính quyền điện tử, cũng như triển khai các nền tảng phục vụ đô thị thông minh với các hệ thống thông tin dữ liệu lớn, đồng bộ...
Đối với UBND thành phố Pleiku, trong năm 2020, thành phố đề xuất xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng hệ thống phản ánh hiện trường; xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh; xây dựng hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh.
 Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của thành phố Pleiku là đầu mối theo dõi, giám sát, điều phối xử lý các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của thành phố như: Phản ánh hiện trườn; giám sát giao thông; an ninh công cộng; ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ; chiếu sáng đô thị; cấp, thoát nước…để hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành kịp thời; đồng thời tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân thông qua các ứng dụng di động (app), qua các hệ thống tích hợp camera và cảm biến, hệ thống giám sát an ninh...
Hiện nay thành phố Pleiku vẫn chưa có hệ thống thông tin để người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời và giúp chính quyền thành phố Pleiku tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch.
Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường là giải pháp triển khai nhằm mục đích cho thành phố Pleiku tiếp nhận các vấn đề phản ánh của công dân, tổ chức đối với các vấn đề bất cập trong xã hội. Gồm các chức năng chính như: Công khai kết quả phản ánh của thành phố Pleiku; cung cấp chức năng tương tác: Trong trường hợp kết quả xử lý chưa đáp ứng, công dân, tổ chức có thể trao đổi, yêu cầu làm rõ về kết quả xử lý của thành phố Pleiku; đánh giá mức độ hài lòng kết quả xử lý: Cá nhân, tổ chức có thể đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý của thành phố Pleiku. Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường gồm các hệ thống các trang thiết bị phần cứng, phần mềm, hạ tầng truyền thông như: Camera giám sát hiện trường; hệ thống mạng truyền dẫn; các phần mềm tiếp nhận, phản hồi phản ánh từ tổ chức, công dân; hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống tin khác phục vụ đô thị thông minh, hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền điện tử của tỉnh...
Mục đích của việc phát triển chiếu sáng đô thị thông minh nhằm giám sát, điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng từ xa trên địa bàn thành phố Pleiku; giúp tiết kiệm nguồn năng lượng, công sức vận hành, quản lý; sử dụng hạ tầng có sẵn của công nghệ thông tin và viễn thông để điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng, theo dõi trạng thái, hoặc hẹn giờ bật/tắt đèn tự động.
Về đầu tư hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh, giai đoạn từ 2020 đến năm 2025, lựa chọn để triển khai xây dựng các hệ thống thông tin hỗ trợ di chuyển, giám sát, quản lý giao thông như: Các dịch vụ trực tuyến để truy cập đến thông tin của các phương tiện công cộng trên địa bàn thành phố; hệ thống điều khiển, hướng dẫn cho người tham gia giao thông; hệ thống dựa trên GPS (Global Positioning System) cho việc theo dõi các phương tiện giao thông tham gia cung cấp dịch vụ vận tải theo thời gian thực; hệ thống giám sát từ xa giao thông công cộng và các tuyến đường, bến bãi đậu đỗ xe; hệ thống phân tích dữ liệu hình ảnh, hỗ trợ quản lý, xử lý vi phạm giao thông, khắc phục sự cố một cách hiệu quả;...đồng thời cung cấp các kênh khác nhau cho người dân để phản ánh các vấn đề, sự cố về giao thông.
Trên cơ sơ đề xuất của các đơn vị như nêu trên, UBND tỉnh sẽ quyết định việc phân bổ kinh phí để thực hiện. Có thể nói xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh là một xu thế tất yếu, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đã và đang hình thành. Điều này đòi hỏi phải có lộ trình và những bước đi thích hợp, vận dụng tổng hợp các nguồn lực để sự phát triển của thành phố thật sự cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bước đầu, UBND tỉnh đã bố trí một khoản kinh phí để thực hiện đã thể hiện sự quyết tâm trong triển khai thực hiện các nội dung thuộc Đề án./.
Khánh Nguyễn