CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Chuyển đổi số > Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Xây dựng thể chế và các nền tảng dùng chung đóng vai trò quan trọng tro

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Xây dựng thể chế và các nền tảng dùng chung đóng vai trò quan trọng trong xây dựng CPĐT”

Ngày đăng bài: 18/02/2020
Ngày 12/2/2020, tại Hội nghị Uỷ ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu quan trọng về Chính phủ điện tử. Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. 
Trước hết là về cách làm CPĐT của chúng ta.
 
Chúng ta đã qua một giai đoạn khá dài về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) theo cách trăm hoa đua nở. Cái được là thúc đẩy phát triển ở tất cả các bộ, ngành và địa phương. Nhưng cũng nảy sinh các tồn tại. Đó là, sự thiếu đồng bộ, trùng lặp; không tương thích liên thông; các chương trình về CPĐT phân mảnh, thiếu lãnh đạo tập trung, thiếu trách nhiệm rõ ràng, chồng chéo chức năng nhiệm vụ; thiếu phân bổ ngân sách tập trung và theo mục tiêu; các bộ ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm, nền tảng, cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau, không có khả năng chia sẻ liên thông; các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng dùng chung chưa được quan tâm; thiếu một cơ quan chỉ đạo chung về CPĐT. 
 
nguyen-manh-hung-12-2.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về CPĐT
 
Tầm nhìn của chúng ta về CPĐT là số hoá các dịch vụ công, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số toàn diện, luôn lấy người dân làm trung tâm. Một chiến lược về CPĐT là nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tới mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi. Làm cho Chính phủ minh bạch hơn để phòng chống tham nhũng. Thay đổi cách mà Chính phủ tương tác với người dân và doanh nghiệp. Sử dụng công nghệ số để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ công, không ai bị bỏ lại phía sau. Sử dụng các công nghệ mới như AI, Big data, IoT, di động, để đẩy nhanh số hoá Chính phủ. Giúp người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào quá trình ra quyết định của Chính phủ, vào quản trị xã hội; quản trị Chính phủ theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Xây dựng CPĐT phải tuân thủ một số nguyên tắc như: Tương thích liên thông; Đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Có khả năng mở rộng theo thời gian; Không trùng lặp; Mọi người đều tiếp cận được dịch vụ.
 
Chúng ta xây dựng CPĐT theo cách tiếp cận sau: Xây dựng dịch vụ công trực tuyến, Xây dựng hạ tầng ICT, Xây dựng nguồn nhân lực; Giải quyết cả 4 mối quan hệ: Người dân với Chính phủ, Doanh nghiệp với Chính phủ, Chính phủ với Chính phủ (tức là giữa các cơ quan nhà nước với nhau), cán bộ công chức và người lao động của Chính phủ với Chính phủ; Kết hợp tập trung và phân tán; Các vấn đề nền tảng phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung; Tận dụng tối đa các công nghệ mới; Sử dụng đối tác công tư; Một cổng quốc gia; Tích hợp các dịch vụ công và cung cấp dịch vụ công trên nền tảng thiết bị di động; Nhấn mạnh vai trò của đào tạo kỹ năng số cho chính quyền và người dân, vai trò của truyền thông. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá thực thi CPĐT để: Đảm bảo phù hợp chiến lược và tiêu chuẩn; Đảm bảo không chồng chéo, lặp lại; Đảm bảo sự tuân thủ của các Bộ và địa phương; Đảm bảo tiến độ; Đảm bảo chuẩn quốc tế để nâng cao thứ hạng Việt Nam; Liên tục đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp.
 
Sau đây, tôi xin phép nói một số ý về năm 2019
 
Năm 2019, với sự ra đời của Nghị quyết 17, chúng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của các yếu tố nền tảng là xây dựng thể chế và các nền tảng dùng chung, là cái thiếu nhất trong gần 20 năm làm CPĐT vừa qua. Sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của cả Chính phủ đã tạo ra một đột phá mới cho CPĐT. Thống nhất một cơ quan điều phối ở TW cũng như ở các địa phương đã tạo ra sự đồng bộ trong triển khai.
 
Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho CPĐT. Các công nghệ nền tảng khác của CPĐT, như trục liên thông văn bản, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây cũng do các công ty Việt Nam làm chủ. Chúng ta tự hào về điều này. Chiến lược Make in Vietnam với tinh thần là làm sản phẩm công nghệ Việt Nam đã khích lệ nhiều công ty công nghệ số Việt Nam tham gia phát triển các giải pháp, các ứng dụng CPĐT. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp Viễn thông, Công nghệ Thông tin lớn mạnh có đủ sức làm CPĐT. Đây là thuận lợi rất lớn để xây dựng thành công CPĐT tại Việt Nam.
 
Và chúng ta đã đạt được số kết qua nổi bật: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi (từ 4,5% lên 10,7%); 100% bộ, ngành và địa phương đã kết nối, liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia, với 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng; Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần, từ 3% lên 27%; Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối 100% bộ ngành và địa phương, 95% quận, huyện và thị xã, 100% các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu khác để lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế ở cấp huyện; Hệ tri thức Việt số hoá đã có dữ liệu mở với hơn 100.000 tập dữ liệu, khai trương bản đồ Vmap với địa chỉ đến từng hộ gia đình; Khai trương cổng dịch công quốc gia; Ra mắt Hệ thống chia sẻ dữ liệu và giám sát an toàn thông tin phục vụ CPĐT; ...
 
Nhưng vẫn còn đó một số tồn tại. Chưa hoàn thành mục tiêu các yếu tố nền tảng cho CPĐT: Chưa ban hành được một số Nghị định, như Nghị định về Định danh điện tử, Nghị định về Chia sẻ, kết nối dữ liệu; Chưa xây dựng được một số CSDL quốc gia quan trọng, đó là CSDL quốc gia về Dân cư, về Đất đai; Trên 70% các bộ ngành và địa phương chưa có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thấp (mới đạt 10,7%), tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3/4 thấp (ở bộ ngành là 38,6%, ở địa phương là 12,5%). Thiếu nguồn lực tài chính cho triển khai CPĐT. Chưa chú trọng đến đào tạo và truyền thông về CPĐT. Còn để mất an toàn mạng trong các cơ quan trọng yếu. Chia sẻ dữ liệu và phát triển tự phát vẫn là những tồn tại lớn của năm 2019.
 
Về định hướng cho năm 2020 và các năm tiếp theo
 
Chúng ta, từ Trung ương đến các địa phương sẽ tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch công trực tuyến mức độ 4.
 
Xây dựng chiến lược về CPĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch hành động cho giai đoạn 3 năm 2021-2023.
 
Về hoàn thiện thể chế. Thể chế luôn phải đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT. Năm 2020 phải ban hành được các Nghị định sau: Nghị định về Quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Nghị định về Định danh và xác thực điện tử; Nghị định về Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định thay thế về Công tác văn thư; Nghị định về Bảo vệ thông tin cá nhân. Năm 2020 cũng phải chuẩn bị các bước để sửa Luật về Giao dịch điện tử và Luật về Lưu trữ, cũng như xem xét một Chiến lược về quản trị dữ liệu quốc gia.
 
Về hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT: 100% bộ ngành, tỉnh/thành có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% bộ ngành, tỉnh thành phải thực hiện giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng; 100% CSDL quốc gia cơ bản hoàn thành (nhất là CDSL về Dân cư và Đất đai); Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) nhằm thúc đẩy nhanh việc mở và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước; Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến.
 
Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng thành nền tảng số phục vụ CPĐT, khai thác vận hành các hạ tầng và nền tảng dùng chung.
 
Xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về CPĐT. Đây là trung tâm thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, về an toàn an ninh mạng và về dịch vụ CPĐT của các cơ quan nhà nước. Vì triển khai CPĐT là phân tán nên việc có một hệ thống giám sát quốc gia là rất quan trọng.
 
Thương mại hóa 5G, chương trình chuyển đổi máy 2G lên máy 4G/5G và tiến tới tắt sóng 2G, để 100% người dân có máy điện thoại thông minh được coi là nền tảng để thúc đẩy CPĐT và Chuyển đổi số. Xây dựng nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ CPĐT. CPĐT của Việt Nam ưu tiên phát triển trên các nền tảng di động.
 
Về một số nội dung đưa ra để Uỷ ban bàn bạc cho ý kiến
 
1) Về nguồn ngân sách cho CPĐT: Đề xuất chuyển một phần của Quỹ Viễn thông công tích (VTCI) về ngân sách và  Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành khoản này cho chương trình CPĐT. Đưa thêm nội dung CPĐT, nội dung về phổ cập dịch vụ công trực tuyến vào nội dung của chương trình VTCI giai đoạn 2021-2025. Các bộ ngành và địa phương dành một tỷ lệ nhất định (có thể là 1-2%) của ngân sách thường xuyên cho CPĐT. Hàng năm, Chính phủ  ưu tiên dành một phần từ ngân sách đầu tư TW để xây dựng các nền tảng dùng chung cho CPĐT.
 
2) Về đầu mối chỉ đạo CPĐT, thành phố thông minh, Chính phủ số, Chuyển đổi số, Kinh tế số: Đề xuất không thành lập thêm các ban chỉ đạo, mà Ban Chỉ đạo quốc gia về CPĐT sẽ chỉ đạo cả Chính phủ số, thành phố thông minh, Chuyển đổi số và Kinh tế số.
 
3) Về cơ quan điều phối, tổng chỉ huy về CPĐT: Giao Bộ TT&TT làm cơ quan điều phối thống nhất về CPĐT, đảm bảo các dự án về CPĐT của các bộ ban ngành, các tỉnh thành bám sát mục tiêu, tiêu chuẩn về CPĐT của Chính phủ. Các bộ ngành và địa phương phải báo cáo về kế hoạch, về tiến độ triển khai, về nền tảng và ứng dụng, về kiến trúc và tiêu chuẩn, về các dự án đầu tư, để Bộ TT&TT phối hợp, giám sát, đánh giá, cho ý kiến, tháo gỡ khó khăn, tổng hợp báo cáo Ủy ban về CPĐT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo sự thống nhất trong toàn quốc về CPĐT, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí. Việc triển khai phân tán, phi tập trung thì phải có một cơ quan đóng vai trò điều phối, tổng hợp.
 
Tiếp theo, tôi xin phát biểu về một số bài học thành công làm CPĐT. Đây là sự tổng hợp kinh nghiệm cả trong nước và nước ngoài.
 
1) Về cam kết của người đứng đầu Chính phủ và các cấp: CPĐT liên quan đến sự thay đổi của cả hệ thống vì vậy vai trò người đứng đầu là quyết định. Người đứng đầu không chỉ ra quyết định về sự thay đổi, mà bản thân mình phải thay đổi về cách thức điều hành tổ chức, sử dụng các ứng dụng CNTT trong công việc hàng ngày. Chỉ có như vậy, sự thay đổi mới chạy từ trên xuống dưới.
 
2) Cần có một chiến lược xuyên suốt, đi qua nhiều nhiệm kỳ. Một số nước thậm chí còn ra luật về CPĐT. Bởi vì, CPĐT là một chặng đường dài, liên tục, sau CPĐT còn là Chính phủ số, không phải 1-2 năm, hay 1-2 nhiệm kỳ. CPĐT là sự thay đổi về nhận thức, về cách thức vận hành, do vậy không nhanh được, không một sớm một chiều được. Đầu tư nhiều năm rồi mới thấy kết quả, những gì mang tính phong trào, nóng vội sẽ dễ chết sớm và tốn kém. CPĐT cũng cần có một kế hoạch tổng thể. Nghị quyết 17 của Chính phủ về phát triển CPĐT là một kế hoạch có tính tổng thể. Trong đó, chú trọng các yếu tố nền tảng là thể chế, hạ tầng dùng chung, an ninh mạng và nhân lực. Các yếu tố này cần được đầu tư trước, đi trước một bước. Nhân lực thì không chỉ là nhân lực làm CNTT mà chủ yếu là nhân lực của cả bộ máy hành chính, là người dân, họ cần được đào tạo kỹ năng số, thay đổi nhận thức, cách làm, cách sử dụng.
 
3) CPĐT phải luôn lấy người dân làm trung tâm. Cung cấp dịch vụ công cho người dân nhanh hơn, tiện ích hơn, chi phí thấp hơn; Người dân phản ánh, tham gia đóng góp vào hoạt động của chính quyền, tham gia quản trị xã hội; Công khai minh bạch để giảm tham nhũng. Những dịch vụ công nhiều người dân có nhu cầu thì ưu tiên làm trước, và làm ngay mức độ 4, không làm tuần tự từ mức độ 1 đến mức độ 4, nhưng khi đã qua giai đoạn đầu thì có thể làm đồng thời tất cả các dịch vụ để giảm chi phí. Nếu không tập trung vào mục tiêu này thì CPĐT có thể không hiệu quả và tốn kém.
 
4) CPĐT là môi trường mới nên thể chế phải đi trước, tạo hành lang cho người ứng dụng làm đúng luật. Vì người nhà nước chỉ được phép làm cái gì đã có qui định. CPĐT phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, với cải cách quản trị công. Lên môi trường điện tử thì qui trình cung cấp dịch vụ phải thay đổi, cách thức hoạt động của chính quyền phải thay đổi. Cách làm không thay đổi thì công nghệ không mang lại nhiều kết quả.
 
5) CPĐT là để tiến tới Chính phủ số: Quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ số cho người dân, là toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số, là sử dụng dữ liệu và các công nghệ số giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
 
6) Cần có một cơ quan điều phối thống nhất, có nhạc trưởng, nhất là khi CPĐT được triển khai phân tán ở các bộ ngành và tỉnh thành. Có một cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, nhìn thấy toàn cảnh, cả kế hoạch, cả đầu tư, cả thuê dịch vụ CNTT, cả thực thi, để đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ở TW, thì cơ quan điều phối này trước đây là Văn phòng Chính phủ và nay là Bộ TT&TT. Ở các địa phương thì giao cho Sở TT&TT.
 
7) Hài hoà giữa tập trung và phân tán. Quá tập trung, theo mệnh lệnh, làm thay, thì triển khai cứng nhắc, dễ cực đoan. Quá phân tán, trăm hoa đua nở thì thiếu thống nhất, không kết nối, kết quả khó dự đoán. Cách tiếp cận hợp lý là: Chính phủ đặt ra tầm nhìn, mục tiêu, đặt ra kiến trúc, tiêu chuẩn về công nghệ, về dữ liệu để đảm bảo tính kết nối, liên thông. Sau đó yêu cầu các địa phương, bộ ngành chi tiết hoá và triển khai. Những gì dùng chung được, các nền tảng dùng chung, thì nên đầu tư tập trung, hoặc khuyến nghị dùng chung, trên nền tảng Cloud. Các ứng dụng khác biệt thì nên phân tán.
 
8) Cần có nguồn ngân sách cố định cho CPĐT. Các nước đều dành một ngân sách dựa trên tỷ lệ GDP cho CPĐT. Cái này chúng ta chưa làm được. Hiện nay, đang là điểm nghẽn lớn nhất. Các địa phương, bộ ngành có thể dùng 1-2% ngân sách hàng năm để phát triển CPĐT, ngân sách tiết kiệm được do ứng dụng CPĐT thì nên quay lại đầu tư cho CPĐT.
 
9) Cần có một số doanh nghiệp CNTT mạnh, có năng lực công nghệ và có năng lực tài chính để làm đối tác xây dựng CPĐT. Nên chọn một số doanh nghiệp làm đối tác lâu dài để làm nền tảng, nhưng phát triển ứng dụng thì nên đa dạng, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ mà sáng tạo. Chúng ta có thuận lợi là có khá nhiều doanh nghiệp CNTT mạnh, làm chủ công nghệ, làm chủ sản phẩm, đủ sức làm CPĐT và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.
 
10) Hình thành văn hoá số. Nhiều nước triển khai CPĐT không thành công vì không hình thành được văn hoá số, người dân không quen dùng dịch vụ công trực tuyến. Cách tốt nhất để hình thành văn hoá số là tập trung vào các ứng dụng trên thiết bị di động và tập trung vào giới trẻ. Việc Chính phủ có chủ trương chuyển đổi người dùng 2G lên 4G/5G và tiến tới tắt sóng 2G, để 100% người dùng Việt Nam có máy điện thoại thông minh sẽ là nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy CPĐT và chuyển đổi số, cũng như ứng dụng CPĐT trên thiết bị di động.
 
Và cuối cùng, xin phép được trích dẫn 8 thông điệp về CPĐT dành cho lãnh đạo.
 
1) Công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ, chứ tự nó không tạo ra đổi mới cho khu vực công. Đổi mới của khu vực công phải bắt đầu từ đổi mới quản trị công, từ cải cách hành chính.
2) Công nghệ nào rồi cũng sẽ đạt đến độ hoàn hảo, nhưng cái hay nhất lại không phải ở chỗ đó mà là ở chỗ, công nghệ có thể làm bất cứ cái gì mà ta muốn nó làm.
3) Đổi mới trong công nghệ thì nhanh như cấp số nhân, nhưng lại không có một sự đổi mới nhanh như vậy trong qui trình, trong tổ chức tổ chức bộ máy.
4) Một qui trình nghiệp vụ nếu xuất sắc thì chỉ cần một công nghệ rất đơn giản đã có thể mang lại giá trị lớn, nhưng một qui trình nghiệp vụ tồi thì công nghệ dù có hiện đại cũng không giúp tạo ra giá trị.
5) Một giao diện màn hình đẹp hơn nhưng cách xử lý công việc vẫn như cũ thì không phải là cái mà công nghệ có thể mang lại. Cái mà công nghệ mang lại là cải thiện toàn bộ qui trình xử lý công việc từ đầu tới cuối.
6) Mức độ chuyển đổi mà các công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại đúng bằng mức độ thay đổi của chúng ta trong cách làm việc, trong qui trình.
7) Đội ngũ công nghệ của khu vực công nên tập trung vào việc trở thành người đặt hàng thông minh, yêu cầu cao về đổi mới, đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng về công nghệ mà họ sẽ mua hoặc yêu cầu đối tác phát triển.
8) Trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo là tạo ra môi trường thuận lợi mà trong đó các dự án ứng dụng kỹ thuật số có thể phát triển mạnh mẽ.
 
Chúng ta đang hội đủ các yếu tố để đẩy nhanh và triển khai thành công CPĐT Việt Nam và tiến tới một chính phủ số hiệu quả. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, sự đồng lòng, chung sức của tất cả chúng ta, từ TW đến địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, sự sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng năm 2020, chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 17 đã đặt ra, và hoạch định ra tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch hành động cho giai đoạn tiếp theo.
Theo Mic.gov.vn