CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Ngày đăng bài: 13/11/2019
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, các giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc tỉnh Gia Lai nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (viết tắt là Tam giác phát triển CLV) là khu vực ngã ba biên giới của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ba nước quyết định thành lập từ năm 1999, với mục tiêu là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo trong khu vực. Tam giác phát triển CLV có 13 tỉnh thuộc ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam, gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie (Campuchia); Atapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước (Việt Nam). Thúc đẩy phát triển khu vực Tam giác phát triển CLV được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác giữa ba nước, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm chính trị cao của Thủ tướng Chính phủ ba nước.
Du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng của hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển CLV bởi khu vực này hội tụ nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo, nguyên sơ, có giá trị cao cho phát triển du lịch cả về tự nhiên và văn hóa. Nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV là nội dung đã được thống nhất trong khuôn khổ hợp tác khu vực Tam giác phát triển tại Hội nghị cấp cao lần thứ 8 của Ủy ban Điều phối chung khu vực Tam giác phát triển CLV, kế hoạch này được ba nước phối hợp xây dựng với vai trò chủ trì của phía Việt Nam.
Khu vực Tam giác phát triển CLV là vùng cao nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Là nơi đầu nguồn của nhiều con sông có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái và quốc phòng an ninh của mỗi nước như sông Mekong, Serepok và sông Sesan. Địa hình khu vực Tam giác phát triển CLV khá đa dạng, nhiều nơi có địa hình chia cắt tạo ra nhiều dạng tài nguyên phong phú. Hai dạng địa hình chính của khu vực Tam giác phát triển CLV  là địa hình cao nguyên với các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông), các tỉnh Mondulkiri, Ratanakiri của Campuchia và các tỉnh Attapu, Sekong của Lào tạo ra nhiều ghềnh, thác, khu bảo tồn tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Các tỉnh ở địa hình này cũng có điều kiện khí hậu mát mẻ hơn. Dạng địa hình thứ hai là địa hình gắn với sông Mekong, gồm các tỉnh Stung Treng, Kratie của Campuchia và Salavan, Champasak của Lào. Dạng địa hình này tạo ra những bãi bồi ven sông, hệ thống đảo trên sông, những sân chim, khu bảo tồn tự nhiên...
Khu vực Tam giác phát triển CLV có vị trí chiến lược đối với cả ba nước về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Thông qua các hành lang kinh tế dọc theo các trục quốc lộ 78 (của Campuchia) và 18, 16 (của Lào) nối với các quốc lộ 14, 19, 24, 49 (của Việt Nam) nối toàn bộ khu vực này với các cảng biển của Việt Nam. Đồng thời qua trục quốc lộ 7 (của Campuchia) và 13 (của Lào) nối khu vực này với Phnôm Pênh và Viêng Chăn; qua các trục quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nối khu vực này với Hà Nội và thành phố Hố Chí Minh... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để ba nước mở rộng giao lưu liên kết phát triển kinh tế - xã hội.
Về hiện trạng khách du lịch, Khu vực Tam giác phát triển CLV mới thu hút được lượng khách du lịch khá khiêm tốn. Tổng lượng khách quốc tế năm 2018 đến khu vực mới đạt 863,6 nghìn lượt. Đây là con số quá nhỏ bé so sánh với bất kỳ một điểm du lịch đô thị nào của mỗi nước. Giai đoạn 2014 đến nay tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình toàn khu vực đạt hơn 10%/năm. Trong đó, các tỉnh tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh hơn, đạt trung bình 19,6%/năm, các tỉnh tại Lào đạt mức tăng trưởng trung bình 9,6%/năm và các tỉnh tại Campuchia tăng trung bình 6,2%/năm. Điều này có thể hiểu được do tốc độ tăng trưởng du lịch chung của cả nước Việt Nam cũng có mức tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Các tỉnh thu hút khách quốc tế chính trong khu vực TGPT là Champasak, Attapu, Kon Tum và Đăk Lăk. Champasak là tỉnh có sân bay quốc tế Parse nên rất thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Đăk Lăk và Pleiku có sân bay nội địa nên cũng thu hút được dòng khách du lịch quốc tế đến khu vực này. Champasak hiện nay đang trở thành điểm đến du lịch thu hút khách du lịch cao cấp. Năm 2018, Champasak thu hút gần 250 nghìn lượt khách và đạt mức tăng trưởng khá cao cho cả giai đoạn là 16,7%.
Có thể thấy, khách du lịch đến khu vực Tam giác phát triển CLV hầu như hiện nay vẫn được thu hút khá độc lập, chưa có các luồng khách theo các tuyến liên kết giữa các tỉnh trong khu vực. Cũng vậy, lượng khách nội vùng khá hạn chế.
Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây nguyên với diện tích hơn 15.536 km2, dân số trên 1,4 triệu người, với 34 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 44% (chủ yếu là người Jrai và Bahnar). Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố); 222 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 3 huyện và 7 xã biên giới (huyện Ia Grai có 2 xã: Ia O, Ia Chía; huyện Đức Cơ có 3 xã: Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn; huyện Chư Prông có 2 xã: Ia Puch, Ia Mơ) với đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) dài trên 90 km và có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Gia Lai có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị của khu vực và cả nước.
Trong những năm gần đây, Gia Lai được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến thông qua những sự kiện lớn như Lễ đón nhận bằng "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể, truyền khẩu của nhân loại", Festival cồng chiêng, Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya; Học viện Bóng đá Hoàng Ạnh Gia Lai JMG và thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê... những yếu tố đó đã tạo nên lợi thế cho sự phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt với nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú và sự đa dạng về bản sắc văn hóa người thiểu số, du lịch Gia Lai đang dần khẳng định vị thế của mình trong xu hướng hội nhập và phát triển.
Với địa hình đồi núi, thác ghềnh, thiên nhiên đã ban tặng cho Gia Lai nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hấp dẫn như Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ia Băng, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Hang Dơi, thác 50, vườn quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng... Gia Lai còn là vùng đất có bề dày nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu là người Banar và Jrai chiếm đại đa số trong hơn 30 dân tộc thiểu số sinh sống tại Gia Lai. Nét đặc sắc về văn hóa bản địa thể hiện qua văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà Rông, nhà Mồ, nhạc cụ dân gian, các lễ hội truyền thống (lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ hội mừng lúa mới...), qua y phục, nếp sống và sinh hoạt thường nhật của người bản địa. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường của nhân dân Gia Lai từ ngàn xưa đến nay vẫn còn lưu lại như: quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, chiến thắng Pleime, chiến thắng Đak Pơ, làng kháng chiến Stơr... rất thuận lợi cho sự phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, mạo hiểm...
So với các địa phương khác, du lịch Gia Lai có bước khởi đầu thấp, là một ngành kinh còn non trẻ, đóng góp cho thu nhập địa phương còn khá khiêm tốn. Thời gian qua du lịch Gia Lai chưa có nhiều chuyển biến, lượng khách đến Gia Lai chủ yếu là khách nội địa. Trong năm 2018, hình ảnh du lịch tỉnh được tăng cường quảng bá qua các hội chợ du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tỉnh đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, hội thảo, hội nghị các ngành, các giải thể thao toàn quốc góp phần thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Tổng lượng khách di lịch năm 2018 đạt 673.336 lượt, tăng 34,3% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 13.936 lượt tăng 25,4%, khách nội địa đạt 659.400 lượt tăng 34,5%. Doanh thu du lịch khoảng 305 tỷ đồng tăng 24,5%.

doi-ngoai.png

Các cơ sở lưu trú đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Tính đến nay, hiện có 90 cơ sở lưu trú, tổng số  buồng là 2.150 buồng, số khách sạn hạng 1-4 sao có 60 khách sạn, chiếm 66,7%. Hoạt động lữ hành còn non yếu hơn so với các tỉnh, với 10 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 03 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 07 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Trong những năm qua, du lịch đã có những bước phát triển đáng khích lệ tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Gia Lai nói riêng, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên nhân văn.
Với những tiềm năng và lợi thế của địa phương, Gia Lai có nhiều cơ hội để khai thác, phát triển du lịch với các tỉnh trong nước và khu vực Tam giác phát triển CLV. Trong những năm qua việc khai thác các lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng... các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng...) và các điểm tham quan du lịch. Một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch đã cố gắng mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với một số địa phương trong khu vực Tam giác phát triển CLV để khai thác, phục vụ khách du lịch qua các Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum).
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh Gia Lai vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển CLV như chưa xây dựng được các tour du lịch đặc thù kết nối các địa phương trong khu vực; Chất lượng hệ thống giao thông đường bộ kết nối các địa phương trong khu vực còn hạn chế; Việc kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch của tỉnh gặp nhiều khó khăn, do các điểm du lịch nằm cách xa trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển; Kinh phí tổ chức xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển hoạt động du lịch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu các nghiệp vụ trong hoạt động du lịch cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, phục vụ du lịch còn hạn chế nên chưa phối hợp tham gia, tổ chức chia sẻ thông tin, hợp tác phát triển và công tác đào tạo, tập huấn trên lĩnh vực du lịch.
Để việc liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên với các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển CLV ngoài các giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng hoàn chỉnh trục giao thông chính, kết nối các trung tâm du lịch, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú... thì việc xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh, trong đó việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh, các giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc tỉnh Gia Lai là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp sản phẩm và thị trường hướng tới. Trong đó, xác định các dòng sản phẩm chính của tỉnh phù hợp với các địa phương khác trong khu vực gồm: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch di sản và du lịch mạo hiểm. Đây là những dòng sản phẩm mà khu vực Tam giác phát triển CLV có những đặc điểm chung tạo ra đặc trưng dựa trên những lợi thế tài nguyên đặc thù có thể tạo ra sự nhận diện cao nhất để xây dựng thương hiệu du lịch cũng như sức hấp dẫn cao thu hút khách du lịch.
Xây dựng các trang thông tin điện tử nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh và của khu vực Tam giác phát triển CLV, trang fanpage về du lịch trên mạng xã hội, kết nối với các trang du lịch sẵn có của các địa phương khác trong khu vực.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin đối ngoại, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai ở các thị trường quốc tế; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, xây dựng và giới thiệu gian hàng riêng theo chủ đề hoặc liên kết giới thiệu chung của các tỉnh trong khu vực; quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, thông tin đối ngoại, xúc tiến quảng bá du lịch trong phạm vi các nước trong khu vực CLV: Tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá nâng cao nhận thức về du lịch trong khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các quầy thông tin du lịch tại sân bay Pleiku, Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, các Công ty và khách sạn lớn và theo dọc đường bộ, hàng không; xây dựng hoặc thuê các biển quảng cáo lớn, biển điện tử để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về du lịch...
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế của địa phương, vai trò của cộng đồng địa phương trong việc hình thành và khẳng định thương hiệu, hình ảnh điểm đến du lịch của địa phương và ảnh hưởng của những hành động, thái độ của cộng đồng đối với du khách.
Tổ chức thực hiện các chiến dịch tuyền thông tuyên truyền và nâng cao nhận thức du lịch trong cộng đồng và phát triển du lịch. Thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như các chương trình truyền hình, các thông tin, bài viết, hình ảnh, clips trên mạng, các hình ảnh quảng cáo, các khẩu hiệu, tranh cổ động, tờ rơi, tờ gấp... với các nội dung phong phú, trong đó ưu tiên tuyên truyền quy tắc ứng xử của cộng đồng và khách du lịch.
Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV được xây dựng, triển khai sẽ kết nối các tiềm năng du lịch của các tỉnh trong khu vực, hình thành các tuyến du lịch, kết nối các điểm đến du lịch, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển CLV và mở rộng ra các tỉnh khác trong phạm vi ba nước; góp phần thúc đẩy mục tiêu của khuôn khổ hợp tác là "Tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực".
                                                                                                                                                   
                                                                                                                                                                Tiến Mạnh

 
Các tin khác

Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai kết nghĩa với làng Dun De (28/03/2024)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tiếp nhận vào công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (09/08/2023)

THÔNG BÁO Nội dung ôn tập, địa điểm và thời gian kiểm tra, sát hạch trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông năm 2023 (09/08/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Quy chế xét tuyển công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (27/07/2023)

THÔNG BÁO Về việc tiếp nhận công chức vào vị trí quản lý Kế hoạch – Tài chính của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (17/05/2023)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (29/03/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (27/03/2023)

THÔNG BÁO Kết quả điểm phỏng vấn (vòng 2) Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2022 (21/03/2023)

THÔNG BÁO SÓ BÁO DANH THÍ SINH ĐỦ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THAM DỰ PHỎNG VẤN(VÒNG 2)KỲ XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP THUỘC SỞ TT&TT NĂM 2022 (08/03/2023)

THÔNG BÁO Về việc cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, và tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm... (23/02/2023)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >|