CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > TĂNG CƯƠNG THUÊ DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

TĂNG CƯƠNG THUÊ DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Ngày đăng bài: 06/12/2019
Theo quy định tại Điều 2 – Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2014 về việc cho thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước (Quyết định 80/2014/QĐ-TTg) thì  Danh mục hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước để lựa chọn thuê bao gồm:
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước bao gồm: Hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống phần mềm nghiệp vụ; hệ thống họp, hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống quản lý thông tin tổng thể; hệ thống trao đổi thông tin, văn bản qua mạng...;
             Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp bao gồm: Ứng dụng một cửa điện tử; cổng, trang thông tin điện tử; hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hệ thống quản lý, giám sát, vận hành cơ sở hạ tầng; hệ thống truy vấn, hỏi đáp, chăm sóc khách hàng qua mạng; ...;
            Hoạt động liên quan đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin như cung cấp trang thiết bị kỹ thuật, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi; cung cấp hạ tầng, thiết bị kết nối mạng nội bộ, mạng diện rộng, kết nối Internet, truy cập tới các hệ thống dịch vụ công; ...;
 Hoạt động khảo sát, lắp đặt, bảo hành, bảo trì, nâng cấp, đào tạo, chuyển giao, tư vấn về công nghệ thông tin; triển khai, quản trị, duy trì, vận hành, tích hợp hệ thống, kết nối liên thông các hệ thống thông tin;
             Hoạt động bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin như cung cấp hệ thống, thiết bị, giải pháp an toàn thông tin; cung cấp giải pháp chống truy cập trái phép, tường lửa; phòng và chống vi rút, phần mềm gián điệp, phá hoại; hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát an toàn thông tin; ...;
            Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin khác.
            Quyết định 80/2014/QĐ-TTg cũng quy định “Căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế, huy động được tối đa nguồn lực và đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và thuyết minh tính hiệu quả giữa việc thuê dịch vụ so với đầu tư, xây dựng, vận hành ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định lựa chọn hình thức thuê dịch vụ hoặc đầu tư, mua sắm, xây dựng để thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin..., trong đó ưu tiên lựa chọn hình thức thuê dịch vụ”.
            Như vậy, chủ trương cho thuê dịch vụ CNTT của Thủ tướng Chính phủ là làm thay đổi nhận thức về đầu tư cho công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước nói chung. Thay vì bỏ ngân sách đầu tư cho một hệ thống công nghệ ngay từ ban đầu, các cơ quan nhà nước có thể chuyển sang hình thức thuê ngoài, trả dần qua từng năm. Lợi ích của việc thuê ngoài là rất rõ, với một số kinh phí ít hơn, nhưng có thể triển khai được một lúc nhiều hệ thống CNTT. Thông thường, một hệ thống ứng dụng CNTT, muốn vận hành tốt thì cần có ít nhất ba yếu tố: phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực. Để đầu tư một hệ thống CNTT (phần cứng, phần mềm…), nhiều cơ quan nhà nước tốn rất nhiều chi phí nhưng mức độ khai thác, sử dụng chỉ khoảng từ 20-50% công suất; mặt khác, cứ trung bình sau thời gian đầu tư từ 2 - 3 năm lại phải nâng cấp hoặc đầu tư mới do sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ. Trong khi đó, với hình thức thuê dịch vụ CNTT, các cơ quan nhà nước sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách và thời gian đáng kể vì đối với khâu vận hành hệ thống sẽ được các chuyên gia của đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê thực hiện một cách chuyên nghiệp.
     Với những lợi ích đó, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1071/UBND-VHXH ngày 06/4/2015; Công văn số 1129/UBND-KGVX ngày 24/3/2017, …). Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức một số buổi họp với đại diện Lãnh đạo các sở, ngành: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Viettel Gia Lai, VNPT Gia Lai để triển khai Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014, tại cuộc họp, các ngành thống nhất: Đề nghị các doanh nghiệp CNTT, viễn thông, trong đó có Viettel Gia Lai – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, VNPT Gia Lai cung cấp tư liệu về khả năng cung cấp cho thuê dịch vụ CNTT để các ngành, địa phương có thông tin phối hợp thực hiện; các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, ..., các cơ quan nhà nước ở địa phương nên thông tin về nhu cầu thuê dịch vụ CNTT để các doanh nghiệp CNTT và Viễn thông nghiên cứu cung ứng.
Đã có văn bản quy định từ trung ương, có các chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của Bộ TT&TT nhưng thuê dịch vụ CNTT, qua tìm hiểu, chia sẻ thông tin thì không chỉ ở Gia Lai đang còn bõ ngõ mà nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự.
         Thực tế tại các cơ quan nhà nước tỉnh Gia Lai, việc thuê dịch vụ CNTT mới chỉ là: Thuê dịch vụ đường truyền Internet phục vụ hệ thống ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn; Thuê dịch vụ đường truyền Leased Line nhằm duy trì, vận hành trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; Thuê dịch vụ bảo hành bảo trì các sự cố cho các hệ thống ứng dụng CNTT; Thuê dịch vụ nhập dữ liệu, đào tạo CNTT; thuê dịch vụ tư vấn khảo sát, giám sát, lập các dự án CNTT.
            Đối với các hệ thống như: Hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống Một cửa điện tử, ... thì tỉnh Gia Lai đã sớm đầu tư trước khi có Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg.
Đối với nhiều hệ thống thông tin khác như hệ thống quản lý thông tin tổng thể; hệ thống trao đổi thông tin; hoạt động cập nhật, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu; hoạt động liên quan đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin như cung cấp trang thiết bị kỹ thuật, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi; hoạt động bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin như cung cấp hệ thống, thiết bị, giải pháp an toàn thông tin; cung cấp giải pháp chống truy cập trái phép, tường lửa; phòng và chống vi rút, phần mềm gián điệp, phá hoại; hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát an toàn thông tin; hoạt động ứng cứu, khắc phục sự cố an toàn thông tin thì chưa được triển khai mặc dù nhiều đơn vị có nhu cầu.
            Việc các cơ quan nhà nước còn chưa quan tâm hoặc chưa mạnh dạn thuê dịch vụ CNTT có thể kể đến một số nguyên nhân được cho là cơ bản như sau:
            Một là, về phía doanh nghiệp cho thuê, hầu hết doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ, lẻ, chưa có hoặc chưa sẵn sàng công khai dịch vụ sẵn sàng cho thuê và giá thuê dự kiến kèm theo, kể cả những doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, …. Do vậy, việc xây dựng danh mục hoạt động dịch vụ CNTT thông dụng trên thị trường tại thời điểm hiện tại chưa khả thi. Trên phạm vi toàn quốc thì hiện cũng có nhiều doanh nghiệp CNTT sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho thuê nhưng chưa có hướng dẫn về cơ chế thuê dịch vụ CNTT nên các doanh nghiệp vẫn phải đợi mà không biết đến bao giờ dịch vụ của họ mới được thuê; Các đơn vị thuê dịch vụ CNTT luôn lo lắng về việc lộ thông tin, mất dữ liệu nên những doanh nghiệp CNTT không có tên tuổi sẽ khó cạnh tranh được trong thị trường thuê dịch vụ này.
            Hai là, một số nội dung còn chưa rõ trong các quy định về cho thuê dịch vụ CNTT. Điểm "khó" tạo vướng mắc trong quá trình triển khai thuê dịch vụ CNTT là việc cơ quan nhà nước không biết căn cứ áp dụng như thế nào cho đúng trong việc lựa chọn hình thức triển khai, do chưa có tiêu chí rõ ràng thuyết minh tính hiệu quả giữa hình thức thuê dịch vụ và hình thức đầu tư, nên cơ quan nhà nước thiếu cơ sở pháp lý để quyết định lựa chọn hình thức thuê dịch vụ.
            Ba là, vướng mắc về giá, theo quy định tại Điều 6 – Quyết định 80/2014/QĐ-TTg thì  “Việc lập dự toán và xác định giá gói dịch vụ được thực hiện căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau: Giá cung cấp dịch vụ của ít nhất 3 đơn vị cung cấp khác nhau. Trong trường hợp không có đủ 3 đơn vị cung cấp dịch vụ thì xin ý kiến thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá; Kết quả thẩm định giá (nếu có) của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật; Giá thị trường tại thời điểm lập dự toán được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp dịch vụ công bố trên mạng Internet; Giá gói dịch vụ tương tự trong thời gian trước đó gần nhất” nhưng thực tế là rất khó xác định, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có định mức về giá để xác định giá làm căn cứ thuê phần mềm, nhiều hạng mục khác chưa có.
Bốn là, cơ sở trong việc lựa chọn nhà cung cấp để thuê, chẳng hạn tại sao lại chọn nhà cung cấp A, mà không chọn B, nếu không thận trọng sẽ vi phạm các quy định về đấu thầu… 
            Ngoài ra, nguyên nhân chậm triển khai là do nhiều lãnh đạo đơn vị, địa phương chưa chỉ đạo sát sao việc triển khai ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội, vì có tâm lý e ngại rủi ro trong quá trình triển khai.
Mới đây nhất, ngày 23/10/2018, Bộ TT&TT ban hành Công văn 3575/BTTTT-THH hướng dẫn một số nội dung về thuê dịch vụ CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để triển khai Quyết định 80/2014/QĐ-TTg (Sở TT&TT cũng đã có Công văn số 1126/STTTT-CNTT ngày 01/11/2018 đề nghị các địa phương áp dụng văn bản này).
Công văn số 3575/BTTTT-THH, Bộ TT&TT đã thống nhất một số nội dung trong công tác thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước sử dụng kinh phí chi sự nghiệp; Hướng dẫn của Bộ TT&TT nêu rõ, hoạt động thuê dịch vụ CNTT bằng nguồn vốn chi đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cũng theo hướng dẫn tại Công văn số 3575/BTTTT-THH, dịch vụ CNTT được phân thành 02 loại theo tính sẵn có của thị trường. Trong đó, dịch vụ CNTT có sẵn trên thị trường là dịch vụ CNTT được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất; đã được công khai về giá, mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật, công nghệ trên Cổng/trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc thông qua phương tiện khác được nhiều người tiếp cận.
Dịch vụ CNTT không có sẵn trên thị trường là dịch vụ CNTT được đặt hàng  theo các yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị; hay nói cách khác là việc cơ quan, đơn vị thuê tổ chức, cá nhân thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị; sau khi hoàn thành hệ thống hoặc hạng mục của hệ thống CNTT, tổ chức, cá nhân đó tổ chức quản trị, vận hành để cung cấp dịch vụ cho cơ quan, đơn vị thuê hoặc bàn giao cho cơ quan, đơn vị thuê tự tổ chức quản trị, vận hành trong một thời gian nhất định.
Đồng thời, Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương việc thuê dịch vụ CNTT không có sẵn trên thị trường bằng nguồn kinh phí chi sự nghiệp (nguồn kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên, không thực hiện chế độ tự chủ).
Cụ thể, về lập kế hoạch thuê dịch vụ CNTT:
- Chủ trì thuê dịch vụ CNTT  tổ chức lập kế hoạch thuê dịch vụ CNTT theo quy định tại Quyết định 80, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
- Trong kế hoạch thuê dịch vụ CNTT cần thuyết minh rõ các nội dung và xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ CNTT, bao gồm: yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ; mô tả yêu cầu cần đáp ứng của phần mềm nội bộ (phần mềm đặt hàng); phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu và giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu.
- Việc xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT vẫn được xác định căn cứ theo điểm (a) Khoản 1- Điều 6 – Quyết định 80/2014/QĐ-TTg: Việc lập dự toán và xác định giá gói dịch vụ được thực hiện căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:
+  Giá cung cấp dịch vụ của ít nhất 3 đơn vị cung cấp khác nhau.
+ Trong trường hợp không có đủ 3 đơn vị cung cấp dịch vụ thì xin ý kiến thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá; Kết quả thẩm định giá (nếu có) của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật;
+ Giá thị trường tại thời điểm lập dự toán được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp dịch vụ công bố trên mạng Internet;
+ Giá gói dịch vụ tương tự trong thời gian trước đó gần nhất
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có nội dung cho thuê dịch vụ CNTT công bố công khai giá, mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật, công nghệ của dịch vụ đó trên Cổng/trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc thông qua phương tiện khác được nhiều người tiếp cận. Bộ TT&TT cũng hướng dẫn chi tiết về phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ CNTT để Chủ trì thuê dịch tham khảo trong việc xem xét, đánh giá báo giá của các tổ chức, cá nhân.
Theo hướng dẫn, chi phí quản lý, chi phí tư vấn và chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc vận dụng định mức do Bộ TT&TT ban hành, công bố với dự án đầu tư ứng dụng CNTT hoặc các văn bản hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành cho phù hợp.
Ngày 29/7/2019, Bộ TT&TT tiếp tục có Công văn số 2455A/BTTTT-THH về việc ban hành văn bản hướng dẫn mẫu hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản (Công văn số 1057/STTTT-CNTT ngày 20/8/2019) gửi đến các cơ quan, đơn vị nghiên cứu và thực hiện theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 2455A/BTTTT-THH.
Hy vọng, với nhiều chỉ đạo của Bộ TT&TT, UBND tỉnh, hướng dẫn chuyên môn của Sở TT&TT, trong thời gian tới việc thuê dịch vụ CNTT được áp dụng nhiều hơn trong các cơ quan, đơn vị./.

                                                                                                                                                             Như Hiền
 
Các tin khác

Thông báo về việc tuyển dụng công chức ở các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện năm 2024 của tỉnh Gia Lai (12/04/2024)

Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai kết nghĩa với làng Dun De (28/03/2024)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tiếp nhận vào công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (09/08/2023)

THÔNG BÁO Nội dung ôn tập, địa điểm và thời gian kiểm tra, sát hạch trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông năm 2023 (09/08/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Quy chế xét tuyển công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (27/07/2023)

THÔNG BÁO Về việc tiếp nhận công chức vào vị trí quản lý Kế hoạch – Tài chính của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (17/05/2023)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (29/03/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (27/03/2023)

THÔNG BÁO Kết quả điểm phỏng vấn (vòng 2) Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2022 (21/03/2023)

THÔNG BÁO SÓ BÁO DANH THÍ SINH ĐỦ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THAM DỰ PHỎNG VẤN(VÒNG 2)KỲ XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP THUỘC SỞ TT&TT NĂM 2022 (08/03/2023)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >|