CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Ngày đăng bài: 30/03/2021
  1. Một số chủ trương, chính sách liên quan:
    1. 1.Trung ương:
- Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) "Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế";
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị "Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ "Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025";
- Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
                1. 2.Tỉnh Gia Lai:     
  - Nghị quyết số 91/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai “Về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XI”.
- Thông báo số 1875-TB/TU ngày 10/01/2020 của Tỉnh ủy Gia Lai về thông báo Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh”;
- Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
  1. Đô thị thông minh là gì:
Khái niệm: Đô thị thông minh (ĐTTM) là đô thị hoặc khu vực cư dân ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo và các phương thức khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp các dịch vụ, quản lý các nguồn lực của đô thị có sự tham gia của người dân; nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của cộng đồng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế; đồng thời bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ.
Quan hệ với các ngành, lĩnh vực: Đô thị thông minh được hiểu là việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực của đô thị. Sự “thông minh” của các ngành, lĩnh vực thể hiện ở các dịch vụ thông minh (giao thông thông minh, lưới điện thông minh, quản lý thông minh...) giúp cho người dân hay chính quyền đô thị ra quyết định thuận lợi hơn; đồng thời, các đối tượng ở tất cả các ngành, lĩnh vực trong đô thị cũng có thể hiểu nhau và thực hiện các hoạt động một cách tự động để phục vụ cuộc sống đô thị được tốt hơn. Quá trình này sẽ tạo ra sự phát triển cân bằng, bền vững hướng đến mục tiêu chung của đô thị. Việc phản ánh vai trò, tác động của công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị hướng tới thông minh được thể hiện trong các chỉ số đô thị thông minh.
  1. Các nguyên tắc, quan điểm xây dựng đô thị thông minh:
- Thứ nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
- Thứ hai, là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
- Thứ ba, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
- Thứ tư, dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ.
- Thứ năm, đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông hiện có dựa trên Khung tham chiếu công nghệ thông tin truyền thông phát triển đô thị thông minh, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của đô thị thông minh cũng như giữa các đô thị thông minh; sử dụng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh.
- Thứ sáu, tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững kết hợp cả hai cách từ trên xuống và từ dưới lên, trung ương điều hành tập trung xây dựng hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ, các địa phương đóng vai trò chủ động. Khuyến khích sự tham gia đầu tư, xã hội hóa phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước. Tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc, dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.
- Thứ bảy, giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
  1. Các tiêu chí đánh giá đô thị thông minh:
Trên thế giới chưa có các tiêu chuẩn chính thức về đô thị thông minh, tuy nhiên, một số tiêu chí chính sau đây được các tổ chức, các nước lựa chọn để đánh giá và làm tiêu chí xây dựng đô thị thông minh (6 tiêu chí chủ yếu) là:
- Nền kinh tế thông minh;
- Giao thông / Di chuyển thông minh;
- Môi trường thông minh;
- Quản trị / Quản lý điều hành thông minh;
- Công dân thông minh;
- Cuộc sống thông minh.
Để thực hiện được 06 tiêu chí này thì hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền (hay “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”, "Chính quyền số") đóng vai trò quan trọng.
  1. Khung tham chiếu phát triển đô thị thông minh:
(Theo Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019
của Bộ Thông tin và Truyền thông)
1.png
     6. Bộ chỉ số đánh giá đô thị thông minh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Công văn số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019:
Bộ chỉ số này bao gồm các chỉ số cơ bản nhất cho đô thị thông minh phù hợp với giai đoạn khởi đầu xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, tập trung đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động của đô thị. Với các đô thị mới bắt đầu nghiên cứu, xây dựng đô thị thông minh, bộ chỉ số này sẽ giúp chính quyền đô thị xác định điểm xuất phát ban đầu của đô thị, đích đến của việc phát triển đô thị thông minh; các cơ sở để xây dựng kế hoạch tổng thể đô thị thông minh hay dự án đô thị thông minh cụ thể; đồng thời giúp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quá trình xây dựng đô thị thông minh. Với các đô thị đã và đang triển khai đô thị thông minh, bộ chỉ số này sử dụng để chính quyền theo dõi, kiểm soát sự phát triển của đô thị theo những mục tiêu đã xác định của giai đoạn cũng như hướng đến nâng mức độ phát triển đô thị.
     7. Các dịch vụ đô thị thông minh ưu tiên triển khai theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông:
     7.1. Dịch vụ cơ bản:
- Dịch vụ phản ánh hiện trường: người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời và giúp chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch.
- Dịch vụ giám sát, điều hành giao thông: cung cấp thông tin giao thông thời gian thực, giám sát chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, điều hành giao thông.
- Dịch vụ an ninh trật tự của đô thị: thông báo, cảnh báo, hỗ trợ xử lý về tình hình an ninh trật tự tại các khu vực trong đô thị.
- Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng: cho phép chính quyền có thể theo dõi các thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội….
- Dịch vụ giám sát an toàn thông tin.
      7.2. Dịch vụ khác:
- Y tế thông minh:
+ Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu, phần mềm hồ sơ sức khỏe công dân.
+ Xây dựng và triển khai hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa: các bệnh viện tuyến huyện được kết nối với các bệnh viện của Trung ương, các thành phố lớn để được hỗ trợ trong công tác khám chữa bệnh.
+ Lấy số, đăng ký khám chữa bệnh tự động qua mạng.
+ Xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử.
- Giáo dục thông minh.
+ Xây dựng trường học thông minh.           
+ Xây dựng hệ thống học trực tuyến.
- Du lịch thông minh.
- Dịch vụ giám sát và cảnh báo môi trường.
- Dịch vụ an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Giám sát dịch vụ công.
- Hệ thống hiển thị trực quan thông tin phục vụ giám sát, điều hành (Dashboard): hiển thị các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; thông tin về giao thông, trật tự xã hội.
- Các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu quản lý và nhu cầu người dân....
    8. Một số ví dụ về dịch vụ đô thị thông minh:
Các dịch vụ đô thị thông minh thường sử dụng các thành tựu về công nghệ thông tin và truyền thông (các cảm biến, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn....) để tạo nên sự quản trị thông minh và tiện ích cho người dân. Có thể nêu một số ví dụ cụ thể như:
+ Hệ thống tín hiệu giao thông thông minh: tự động nhận biết làn đường có lưu lượng xe đông hơn để tự điều chỉnh thời gian đèn xanh lâu hơn; giảm bớt việc ách tắc trong giao thông; tự động cảnh báo các tình trạng giao thông cho người điều khiển phương tiện (kẹt đường, đường tránh...).
+ Hệ thống giám sát giao thông: phát hiện, thu thập dữ liệu phương tiện vi phạm luật giao thông để xử phạt (phạt nguội) mà không cần cảnh sát trực; điều này tạo dần ý thức chấp hành tự giác của người tham gia giao thông.
+ Việc số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu về các loại giấy tờ của công dân (như sổ đỏ, hộ khẩu, căn cước, giấy phép lái xe....) sẽ tạo ra sự quản lý chặt chẽ hơn, xử lý công việc công dân yêu cầu nhanh hơn và thuận tiện hơn. Ví dụ: khi cần công chứng các loại giấy tờ đó, công dân chỉ cần gửi yêu cầu qua mạng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sẽ được hẹn đến nhận kết quả (hoặc gửi qua đường bưu chính) mà không cần mang bản chính để đối chiếu hoặc phải chờ đợi. Việc số hóa sổ đỏ (quyền sử dụng đất, sở hữu nhà...) sẽ giúp cho việc làm các thủ tục quản lý đất đai (mua bán, sang nhượng...) nhanh và tránh sai sót, đồng thời giảm bớt hồ sơ thành phần trong thủ tục hành chính...
+ Việc số hóa và công khai quy hoạch đô thị sẽ tạo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đầu tư.
+ Các loại dịch vụ giao tiếp như: phản ánh hiện trường, hỏi đáp về hành chính, trao đổi trên môi trường mạng (như qua mạng xã hội, nhóm...), dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4... sẽ tăng tính giao tiếp chủ động cho người dân với chính quyền, tạo cơ hội người dân chung tay với chính quyền trong quản lý đô thị và an ninh trật tự.
+ Các dịch vụ về giám sát môi trường thông minh sẽ giúp chính quyền và người dân kiểm soát về môi trường, từ đó đưa ra các quyết sách bảo vệ , cải thiện môi trường phù hợp.
+ Các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh (như dịch vụ trực tuyến) tạo các điều kiện thuận tiện, linh hoạt hơn cho người dân khi khám chữa bệnh, học tập....
Tuy nhiên, để các loại dịch vụ này có tính hiệu quả và lan tỏa thì cần các yêu cầu: dễ sử dụng; có sự chia sẻ, minh bạch thông tin; tính đúng đắn của thông tin; xác thực người dùng; phản ứng nhanh của chính quyền; quy trình và tính pháp lý của việc xử lý thông tin; sự an toàn, bảo mật, an ninh thông tin...
===> Nhà nước phải làm chủ công nghệ, cơ sở dữ liệu và thông tin. Chính quyền phải thay đổi quy trình xử lý công việc phù hợp theo các quy chế hoạt động dịch vụ...==> đòi hỏi xây dựng chính quyền số.
Người dân phải thấy được lợi ích của các dịch vụ đô thị thông minh để chung tay thực hiện với chính quyền ==> xây dựng kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và cung ứng dịch vụ thông minh (như quản lý cung cấp điện, nước sinh hoạt ...)
      9. Mối quan hệ giữa đô thị thông minh và Chính quyền số:
Chính quyền số là một phần rất quan trọng của các đô thị thông minh. Việc xây dựng Chính quyền số cần đi trước một bước so với việc triển khai các hạ tầng thông minh khác và đảm bảo tính kết nối liên thông của các hệ thống thông tin đối với Chính quyền số nhằm đảm bảo công tác điều hành và vận hành hiệu quả các đô thị thông minh.
Đối với Chính quyền số, mô hình triển khai tập trung (hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng, ứng dụng tập trung), các đơn vị hầu như chỉ sử dụng, không vận hành.
Đô thị thông minh triển khai vừa tập trung, vừa phân tán trong đó các cơ quan sử dụng đầu tư và vận hành thiết bị đầu cuối thu thập dữ liệu và sử dụng kết quả phân tích dữ liệu để điều hành; kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống Chính quyền số (tập trung). Tất cả các đơn vị, cá nhân trực tiếp khai thác quản lý, xử lý thông tin liên quan (phân tán)
     10. Các điều kiện, giải pháp để triển khai đô thị thông minh:
Lãnh đạo đóng vai trò, yếu tố quyết định thông qua ban hành và triển khai chính sách.
Phải có sự đồng thuận, liên kết giữa các cơ quan chuyên ngành.
Nguồn lực là một trong bốn trụ cột của đô thị thông minh (ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, xã hội hóa; tri thức, vận hành, an toàn thông tin).
Việc xây dựng đô thị thông minh phải được xác định là quá trình lâu dài.
      11. Hiện trạng tại tỉnh Gia Lai: - Mặc dù chưa được bố trí kinh phí để triển khai, nhưng một số ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai được một số nội dung trên cơ sở phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm miễn phí; cụ thể:
+ Dịch vụ phản ánh hiện trường (UBND thành phố Pleiku triển khai trên cơ sở phối hợp với VNPT);
+ Dịch vụ giám sát an toàn thông tin (Sở TT&TT triển khai trên cơ sở phối hợp với VNPT).
- Hiện tại, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đang phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh triển khai thí điểm miễn phí Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh, mặc dù không thuộc phạm vi của Đề án (phạm vi thành phố Pleiku) tuy nhiên đây cũng là một nội dung có liên quan đang được triển khai.
       12. Dự kiến các nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới của tỉnh Gia Lai:
Số TT Tên nhiệm vụ Cơ quan chủ trì thực hiện
I Nhóm nhiệm vụ về phát triển hạ tầng kỹ thuật  
1 Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku UBND TP. Pleiku
2 Nâng cấp mở rộng mạng diện rộng trong phạm vi TP.Pleiku UBND TP. Pleiku
3 Phát triển chiếu sáng đô thị thông minh UBND TP. Pleiku
4 Phát triển hệ thống phản ánh hiện trường UBND TP. Pleiku
5 Hệ thống quản lý cây xanh đô thị UBND TP. Pleiku
6 Hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh UBND TP. Pleiku
7 Xây dựng hệ thống Wifi công cộng trên địa bàn TP. Pleiku UBND TP. Pleiku
8 Số hóa Quy hoạch hạ tầng thành phố Pleiku UBND TP.Pleiku
II Nhóm nhiệm vụ về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin  
1 Đầu tư, xây dựng trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) Sở TT&TT
2 Kiểm tra, đánh giá, nâng cao năng lực quản lý ATTT cho các hệ thống thông tin Sở TT&TT
III Nhóm nhiệm vụ về cơ sở dữ liệu  
1 Tiếp tục vận hành, duy trì, đầu tư mở rộng các cơ sở dữ liệu GIS theo Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 của UBND tỉnh Gia Lai Sở TT&TT
2 Vận hành, duy trì, mở rộng các hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường đã được triển khai theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 03/3/2017 của UBND tỉnh Gia Lai Sở TN&MT
3 Xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối vào hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP); đồng thời tích hợp, kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia do các bộ, ngành Trung ương triển khai. Các Sở, ngành
liên quan
IV Nhóm nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền điện tử, tiến đến Chính quyền số
1 Đầu tư, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ Chính quyền điện tử và triển khai các nền tảng đô thị thông minh Sở TT&TT
2 Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các cơ quan thuộc UBND thành phố Pleiku UBND TP. Pleiku
3 Triển khai hệ thống Chatbot tra cứu thủ tục hành chính, hướng dẫn một số vấn đề người dân quan tâm Sở TT&TT
4 Triển khai chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến; trong các thiết bị di động Sở TT&TT
5 Triển khai số hóa tài liệu giấy UBND TP. Pleiku
6 Triển khai hệ thống bốc số tự động qua mạng để giải quyết thủ tục hành chính UBND TP. Pleiku
7 Xây dựng cổng dữ liệu mở tỉnh Gia Lai Sở TT&TT
8 Xây dựng ứng dụng đô thị thông minh trên di động Sở TT&TT
9 Cập nhật, nâng cấp các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền điện tử tiến tới Chính quyền số Sở TT&TT
V Nhóm nhiệm vụ về kinh tế  
1 Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp Sở Nông nghiệp
và PTNT
2 Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch: Sở VHTT&DL
  Xây dựng Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số
  Kết nối CSDL ngành du lịch, hệ thống thông tin tiếp thị điểm đến, bản đồ các cơ sở văn hóa - du lịch - nhà hàng - khách sạn
VI Nhóm nhiệm vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe dân cư  
1 Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu, phần mềm Hồ sơ sức khỏe công dân Sở Y tế
2 Xây dựng và triển khai hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa Sở Y tế
3 Xây dựng cơ sở dữ liệu về vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm Sở Y tế, Sở NN&PTNT
4 Xây dựng cổng thông tin điện tử ngành Y tế và các đơn vị điều trị trên địa bàn thành phố Pleiku, tích hợp hệ thống lấy số tự động qua mạng, đăng ký khám chữa bệnh qua mạng Sở Y tế
5 Xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử Sở Y tế
VII Nhóm nhiệm vụ về giáo dục  
1 Xây dựng trường học thông minh cho các trường phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)
2 Xây dựng hệ thống E-learning (học trực tuyến)
VIII Nhóm nhiệm vụ về quản lý trật tự xã hội.  
1 Xây dựng hệ thống camera giám sát trật tự an toàn xã hội Công an tỉnh
IX Nhóm nhiệm vụ về môi trường  
1 Xây dựng hệ thống quan trắc nước thải thành phố tập trung Sở Tài nguyên và Môi trường
2 Hệ thống thu gom rác thải thông minh UBND TP. Pleiku
3 Hệ thống quan trắc không khí UBND TP. Pleiku
X Bố trí nhân lực, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho đô thị thông minh Sở TT&TT; Sở GD&ĐT; Sở Nội vụ; UBND TP. Pleiku.
 
 Nguyễn Ngọc Hùng- Giám đốc Sở TT&TT
 
 
Các tin khác

Thông báo về việc tuyển dụng công chức ở các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện năm 2024 của tỉnh Gia Lai (12/04/2024)

Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai kết nghĩa với làng Dun De (28/03/2024)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tiếp nhận vào công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (09/08/2023)

THÔNG BÁO Nội dung ôn tập, địa điểm và thời gian kiểm tra, sát hạch trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông năm 2023 (09/08/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Quy chế xét tuyển công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (27/07/2023)

THÔNG BÁO Về việc tiếp nhận công chức vào vị trí quản lý Kế hoạch – Tài chính của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (17/05/2023)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (29/03/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (27/03/2023)

THÔNG BÁO Kết quả điểm phỏng vấn (vòng 2) Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2022 (21/03/2023)

THÔNG BÁO SÓ BÁO DANH THÍ SINH ĐỦ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THAM DỰ PHỎNG VẤN(VÒNG 2)KỲ XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP THUỘC SỞ TT&TT NĂM 2022 (08/03/2023)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >|