CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > Gia Lai tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính - Những kết

Gia Lai tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính - Những kết quả khả quan và nổ lực để tiến tới xây dựng Chính quyền điện tử

Ngày đăng bài: 30/11/2018
Từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách: Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính nhà nước, tỉnh Gia Lai đã đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng CNTT để tiến tới xây dựng Chính quyền điện tử. Từ năm 2011 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh nhằm xây dựng Chính quyền điện tử, trong đó, nhiều văn bản mang tính nền tảng để đầu tư ứng dụng CNTT như: Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai; các Kế hoạch Ứng dụng CNTT giai đoạn 5 năm và hàng năm; các Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử....
Qua các năm, chỉ số đánh giá về Cơ chế chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT của tỉnh Gia Lai luôn được Bộ TT&TT cùng Hội Tin học Việt Nam đánh giá cao (năm 2017 chỉ tiêu này Gia Lai được xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố).
 
Đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật: Đến nay, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính cấp sở, huyện đều được trang bị máy tính để điều hành, tác nghiệp trong công việc chuyên môn. Tính chung, tỷ lệ máy tính/CBCC đạt trên 92%. Tất cả các đơn vị đều đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) và các máy tính tại các phòng/ ban chuyên môn thuộc các đơn vị đều được kết nối Internet (trừ các máy tính được sử dụng để lưu hoặc soạn các văn bản theo chế độ mật). Hầu hết các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đều trang bị thiết bị tường lửa tích hợp khả năng chống xâm nhập, phần mềm chống Virus và thiết bị lưu trữ dữ liệu dự phòng.
 
Trung tâm tích hợp dữ liệu (hosting) của tỉnh được đầu tư với quy mô nhỏ trong giai đoạn 2014 – 2016 và hiện nay, những năm tiếp theo tiếp tục được đầu tư bổ sung các thiết bị mạng, bảo mật, máy chủ, lưu trữ, … để cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống CNTT phục  vụ chính quyền điện tử thống nhất trên toàn tỉnh với các hệ thống thông tin dữ liệu lớn, đồng bộ.
 
Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh (WAN) đã được triển khai để kết nối các hệ thống thông tin dùng chung giữa các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh (kết nối từ Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh tới các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các phòng, ban cấp huyện, tới UBND cấp xã), đồng thời kết nối Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời các đơn vị sử dụng hệ thống mạng WAN để trao đổi văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành liên thông, một cửa điện tử liên thông và các hệ thống dùng chung khác.
 
            Và triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính:
 
Theo đó, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh khối các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Từ năm 2016, Trục liên thông văn bản điện tử 4 cấp “Trung ương - tỉnh - huyện - xã” đã hoàn thành, thông suốt và có thể theo dõi quá trình xử lý văn bản trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông đã được công khai trên mạng Internet tại địa chỉ: http://lienthong.gialai.gov.vn và đã được kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực với Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hiện tại, 100% Sở, ban, ngành và 100% UBND cấp huyện, 100% UBND cấp xã và một số cơ quan nhà nước khác đã đưa vào sử dụng hiệu quả (sử dụng thống nhất một phần mềm). Hệ thống hiện nay hoạt động ổn định, việc luân chuyển văn bản điện tử đã được thực hiện từ Chính phủ đến UBND tỉnh; từ UBND tỉnh đến các Sở, ngành và UBND cấp huyện và đến cấp xã. Hiện nay, hơn 80% văn bản đã gửi - nhận hoàn toàn theo dạng điện tử (không dùng văn bản giấy); tài liệu sử dụng cho các Kỳ họp HĐND, UBND cũng đều được cung cấp cho đại biểu dưới dạng văn bản điện tử.
 
Mô hình "Một cửa điện tử liên thông" (Một cửa hiện đại) đã có tại 17/17 UBND cấp huyện, 18 đơn vị cấp Sở, ban, ngành (Thanh tra tỉnh và Ban Dân tộc không triển khai do thủ tục hành chính ít); Hệ thống một cửa điện tử của các đơn vị, địa phương hoạt động hiệu quả, giảm thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, một số UBND cấp huyện đã triển khai nhân rộng đến cấp xã (104/222). Hệ thống cũng đã được tính hợp chức năng xin lỗi đối với các hồ sơ trễ theo chỉ đạo của UBND tỉnh để thống kê, theo dõi việc xin lỗi của các đơn vị, địa phương. Từ năm 2018, UBND cấp huyện tiếp tục triển khai nhân rộng đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 94% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai liên thông xử lý thủ tục hành chính qua hệ thống này. Đồng thời, việc xử lý thủ tục hành chính của các đơn vị, địa phương đã được công khai trên mạng Internet tại địa chỉ: http://motcua.gialai.gov.vn và đã được kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực với Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
 
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh (có địa chỉ truy cập http://mail.gialai.gov.vn) được xây dựng đưa vào hoạt động năm 2009; hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và đơn vị trực thuộc khác trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng, thực hiện việc trao đổi thông tin, tài liệu bằng hộp thư điện tử công vụ của tỉnh và hơn 9.000 cán bộ, công chức, viên chức đã được tạo lập hộp thư điện tử. Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ khoảng hơn 70%. Đến nay, các giấy mời họp, tài liệu lấy ý kiến, các bản dự thảo và một số văn bản thông thường đã được UBND tỉnh và các Sở, ngành gửi hoàn toàn qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành liên thông, khi cần thiết sẽ gửi qua thư điện tử công vụ. Hệ thống hoạt động ổn định, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
  Hệ thống Hội nghị truyền hình qua mạng của tỉnh được đầu tư năm 2011, gồm 20 điểm cầu (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm CNTT&TT thuộc Sở Thông tin và Truyền thông và 17 UBND các huyện, thị xã, thành phố) đã được duy trì hoạt động thường xuyên và ổn định, kết nối từ UBND tỉnh đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống này hoạt động ngày càng có hiệu quả, tần suất sử dụng cao, chất lượng hệ thống ổn định, đảm bảo cho các cuộc họp được thông suốt.
 cqdt1.jpg
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Thông tin và Truyền thông năm 2018
Ứng dụng Chữ ký số, chứng thư số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (tới cấp xã) và đã thực hiện triển khai việc ký số các văn bản gửi, nhận trên hệ thống Quản lý văn bản điều hành liên thông của tỉnh nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Hiện tại, hầu hết các văn bản điện tử đều được ký số để xác thực thông tin người gửi.
 
Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai (http://gialai.gov.vn) được nâng cấp trong năm 2017, hiện nay UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về kỹ thuật, Văn phòng UBND tỉnh quản lý về nội dung, cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, được đánh giá cao về mức độ cung cấp và duy trì hoạt động. Hiện đã có 100% UBND cấp huyện, 20 đơn vị cấp sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh có Trang thông tin điện tử cung cấp tương đối đầy đủ thông tin theo quy định của Trung ương. Các Trang thông tin điện tử đều hoạt động ổn định, cơ bản đã duy trì việc đưa tin, bài tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của tỉnh, huyện, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của địa phương, đơn vị mình. Hầu hết các đơn vị đã công khai các hoạt động của đơn vị mình trên Trang thông tin điện tử.
 
Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được thực hiện theo lộ trình Chính phủ quy định. Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.492 thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 2. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 hiện có: Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 331 DVCTT mức độ 3 và 117 mức độ 4, đồng thời được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ: http://dvc.gialai.gov.vn.  Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bưu điện tỉnh và Ngân hàng VietinBank để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đối với Bưu điện, sẽ hỗ trợ thực hiện việc tiếp nhận, trả hồ sơ và hướng dẫn sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đối với Ngân hàng VietinBank, sẽ hỗ trợ thực hiện việc thanh toán phí, lệ phí qua mạng.          
 
Phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức và cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2016, và hoạt động tại địa chỉ http://dvc.gialai.gov.vn (tích hợp vào Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của tỉnh). Hằng quý, Sở TT&TT phối hợp với Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh tình hình đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh dựa trên đánh giá của người dân, tổ chức thông qua phần mềm.     Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các đơn vị, địa phương tích hợp lên các trang thông tin điện tử, đầu tư thiết bị tại Bộ phận một cửa để phục vụ công dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá. Ngoài ra, cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn công dân, tổ chức sử dụng.
 
Phần mềm “Quản lý giao việc”của UBND tỉnh đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đang dùng chung trên toàn tỉnh (chính thức sử dụng từ tháng 9/2017) để ứng dụng CNTT trong việc kiểm soát và nhắc nhở mức độ hoàn thành công việc được giao từ UBND tỉnh xuống các Sở, ngành và các địa phương; qua đó góp phần chấn chỉnh kỷ cương hành chính, quản lý cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ, thực hiện cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực và thời gian. Trang thông tin điện tử thống kê tình hình xử lý công việc do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, được công khai tại địa chỉ: trang http://congkhai.gialai.gov.vn.
 
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 09/7/2018 (có trụ sở đặt tại Công sở Liên cơ quan, số 17 – Trần Hưng Đạo – TP Pleiku) nhằm tạo tiện ích để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất; quản lý, kiểm soát một cách tốt nhất quy trình giải quyết thủ tục hành chính, góp phần chống tham nhũng và tiêu cực; cải tiến phương pháp làm việc của cơ quan nhà nước hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm về nhân lực và chi phí hoạt động.
 cqdt2.jpg
Quảng cảnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai
 
Nhìn chung, việc triển khai ứng dụng CNTT để phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử đã được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc và đã đạt các mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử. Xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh Gia Lai so với các tỉnh, thành cả nước liên tục được cải thiện trong các năm gần đây (theo đánh giá của Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam): năm 2014 xếp thứ 52/63; năm 2015 xếp thứ 44/63; năm 2016 xếp thứ 38/63; năm 2017 xếp thứ 37/63. Trong năm 2017, chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử của tỉnh Gia Lai được Bộ TT&TT xếp thứ 24/63 tỉnh thành. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có sự cải thiện rõ rệt trong việc minh bạch hóa, trong suốt hóa nền hành chính, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong đầu tư và triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tỉnh chưa thu hút được cán bộ có chuyên môn tốt về CNTT tại các đơn vị, địa phương; một số cơ quan, đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về CNTT hoặc đã nghỉ việc nên cũng dẫn tới gặp khó khăn trong vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT. Việc quan tâm thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cũng chưa được các đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tuy đã được tỉnh và các sở, ngành xây dựng nhưng các doanh nghiệp và người dân chưa quan tâm sử dụng, nguyên nhân là do kỹ năng, thói quen ứng dụng CNTT của người sử dụng dịch vụ còn hạn chế; chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để làm việc trên môi trường mạng; công tác tuyên truyền, phổ biến của tổ chức cung cấp dịch vụ đến các tổ chức, cá nhân sử dụng chưa thường xuyên và rộng rãi. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng Chính phủ điện tử do các Bộ, ngành triển khai chậm, nên gây khó khăn trong việc kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia (cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về đất đai, cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp...). Nhiều máy vi tính của cán bộ, công chức viên chức đã cũ, gây khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng CNTT.
 
Với những kết quả đạt được, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai đang tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp khắc phục những tồn tại, triển khai thực hiện Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai đã được phê duyệt; triển khai các Kế hoạch Ứng dụng CNTT giai đoạn 5 năm và hàng năm; các Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng và thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh” theo chỉ đạo của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hy vọng, với sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền, việc triển khai đồng bộ các giải pháp và nội dung về đầu tư thì việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi./.
Khánh Nguyễn
Các tin khác

Thông báo về việc tuyển dụng công chức ở các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện năm 2024 của tỉnh Gia Lai (12/04/2024)

Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai kết nghĩa với làng Dun De (28/03/2024)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tiếp nhận vào công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (09/08/2023)

THÔNG BÁO Nội dung ôn tập, địa điểm và thời gian kiểm tra, sát hạch trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông năm 2023 (09/08/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Quy chế xét tuyển công chức cấp xã vào làm công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2023 (27/07/2023)

THÔNG BÁO Về việc tiếp nhận công chức vào vị trí quản lý Kế hoạch – Tài chính của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (17/05/2023)

THÔNG BÁO Danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (29/03/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người làm việc được giao năm 2022 (27/03/2023)

THÔNG BÁO Kết quả điểm phỏng vấn (vòng 2) Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2022 (21/03/2023)

THÔNG BÁO SÓ BÁO DANH THÍ SINH ĐỦ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THAM DỰ PHỎNG VẤN(VÒNG 2)KỲ XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP THUỘC SỞ TT&TT NĂM 2022 (08/03/2023)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >|