CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Bưu chính-Viễn thông > Trạm thu phát sóng trên đất công lại “nóng” trên bàn nghị sự

Trạm thu phát sóng trên đất công lại “nóng” trên bàn nghị sự

Ngày đăng bài: 08/10/2020

Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Cục Viễn thông với Sở TT&TT đã đề cập đến các vấn đề “nóng” cần giải quyết như dùng chung hạ tầng và đặt trạm thu phát sóng trên đất công.


Trạm thu phát sóng trên đất công lại “nóng” trên bàn nghị sự
Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Cục Viễn thông với Sở TT&TT đã đề cập đến các vấn đề “nóng” cần giải quyết như dùng chung hạ tầng, đặt trạm thu phát sóng trên đất công...

Ngày 30/9, Cục Viễn thông đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các Sở TT&TT tỉnh, thành khu vực phía miền Trung và miền Nam. Đây là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các Sở TT&TT, bàn bạc tìm kiếm giải pháp cùng nhau phối hợp xử lý các vấn đề về quản lý nhà nước trên địa bàn.

Đại diện một số Sở TT&TT đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông thụ động và dùng chung cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các Sở TT&TT cũng phản ánh nhiều khó khăn như các trạm thu phát sóng nằm trên đất công, quy hoạch hạ tầng viễn thông, sử dụng Quỹ Viễn thông công ích…

Sẽ giải bài toán trạm thu phát sóng trên đất công

Đại diện Trung tâm Đo lường chất lượng Viễn thông cho biết, trước đây do gặp một số vướng mắc về cơ chế nên công tác kiểm định các trạm thu phát sóng bị chậm và tồn đọng. Nhưng đến thời điểm này, trung tâm đã tiến hành kiểm định hết 7.760 hồ sơ tồn đọng. Vì vậy, các Sở TT&TT có thể thanh kiểm tra những trạm thu phát sóng của doanh nghiệp ở địa phương.

Đối với việc kiểm định trạm phát sóng của các đài phát thanh truyền hình, phía Trung tâm Đo lường chất lượng Viễn thông cho hay, quy trình kiểm định đài phát thanh truyền hình đã được Bộ TT&TT ban hành tại Thông tư số 08, có hiệu lực từ ngày 13/4/2020 và trong thời gian tới Cục Viễn thông chưa tiến hành kiểm định ngay những đài phát thanh truyền hình có công suất lớn hơn 150W. Tuy nhiên, Cục Viễn thông cũng cần phối hợp của các Sở TT&TT để đưa hoạt động này đi vào nề nếp.

Theo Phòng Hạ tầng kết nối của Cục Viễn thông, đến giờ đã có 53 tỉnh thành ban hành quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, nhưng một số địa phương gặp vướng mắc khi triển khai và muốn điều chỉnh. Theo quy định mới của Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 thì quy hoạch của tỉnh sẽ được ban hành dựa theo các quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch chuyên ngành của các bộ, ngành. Bộ TT&TT đang xây dựng quy hoạch phát triển của ngành, tuy nhiên, các địa phương có thể được điều chỉnh bổ sung cho đến khi quy hoạch mới của tỉnh được phê duyệt. Nghĩa là 53 tỉnh thành đã ban hành quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động sẽ được điều chỉnh bổ sung nội dung cho đến khi quy hoạch mới của tỉnh ban hành. Đối với các tỉnh chưa ban hành quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động thì buộc phải đợi đến khi có quy hoạch mới của tỉnh - khi đó không gọi là quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động mà chuyển thành phương án phát triển hạ tầng viễn thông thụ động trong quy hoạch.

Về vấn đề các trạm thu phát sóng trên đất công, đại diện Phòng Hạ tầng kết nối cho hay, hiện có 7.800 trạm đặt trên tài sản công, trong đó 52% đặt trên đơn vị hành chính như UBND các cấp, còn lại 48% là đặt trên đất của đơn vị sự nghiệp công như trường học, bệnh viện. Hiện không có quy định rõ ràng về việc cho đặt trạm BTS trên tài sản công. Vì vậy, một số địa phương sau khi thanh tra đã yêu cầu các doanh nghiệp di dời trạm thu phát sóng ra khỏi vị trí đất công. Theo tính toán thì việc di dời trạm BTS ra khỏi tài sản công sẽ tốn kém khoảng 2.800 tỉ đồng, chưa kể khó khăn không tìm được vị trí thuê mới. Thậm chí, một số nơi có công trình trọng yếu, các trụ sở hành chính công lớn sẽ không có sóng di động để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Bộ TT&TT đã có tờ trình báo cáo Chính phủ, các bộ ngành về vướng mắc này để có hướng xử lý. Nhìn chung, quan điểm của các bộ ngành ủng hộ cho lắp đặt trạm thu phát sóng trên tài sản công. Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp ý kiến và yêu cầu Bộ TT&TT giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành và sẽ báo cáo với Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9 tới đây.

Thúc đẩy dùng chung hạ tầng thụ động

Theo đại diện Phòng Hạ tầng kết nối, Bộ TT&TT đã ra chỉ thị để thúc đẩy việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Nhưng ở một số nơi vẫn diễn ra tình trạng giá cho thuê hạ tầng viễn thông không dựa trên giá thành đầu tư hay không đăng ký giá thuê. Bên cạnh đó, còn có tình trạng độc quyền tuyến cáp trong tòa nhà và khách hàng bắt buộc phải sử dụng dịch vụ của một nhà cung cấp với giá cao.
Trạm thu phát sóng trên đất công lại “nóng” trên bàn nghị sự
Cục Viễn thông đề nghị các Sở TT&TT tăng cường trao đổi thông tin với Cục cũng như nêu ra những khó khăn hay đề nghị hỗ trợ về chuyên môn để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Vì vậy, Cục Viễn thông đề nghị các Sở TT&TT địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tránh việc lợi dụng độc quyền hạ tầng để nâng giá, cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời giải quyết kịp thời tranh chấp giữa các doanh nghiệp.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, để thúc đẩy dùng chung hạ tầng viễn thông, hàng quý Cục sẽ họp với các doanh nghiệp viễn thông để trao đổi hạ tầng mang tính tự nguyện. Các địa phương cũng có thể tham khảo bài học ngầm hóa hạ tầng viễn thông của Thừa Thiên Huế và Hà Nội, thể hiện quyết tâm của chính quyền địa phương khi đưa ra thời hạn cho các doanh nghiệp để ngầm hóa nếu không sẽ bị cắt cáp và mất khách hàng.

Ông Giang Văn Thắng, Trưởng Phòng Hạ tầng kết nối chia sẻ, gần đây Cục Viễn thông cũng nhận được phản ánh về việc doanh nghiệp không bảo trì, bảo dưỡng các trạm phát sóng, gây nguy hiểm khi mùa mưa bão. Ông Thắng khẳng định, nhà mạng và doanh nghiệp xã hội hóa phải có trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng cột thu phát sóng. Các cột ăng ten đã có quy định về thiết kế, trạm thu phát sóng dùng chung cũng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn.

Trả lời kiến nghị của các Sở TT&TT liên quan đến Quỹ Viễn thông công ích, ông Lê Doãn Danh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho biết, đang triển khai chương trình viễn thông công ích, trong chương trình viễn thông công ích 2016 - 2021 đã có 13 dự án liên quan đến hạ tầng. Các sở đề xuất thúc đẩy hỗ trợ cáp quang ra đảo, hỗ trợ thông tin liên lạc cho tàu cá sẽ tập hợp báo cáo đề xuất vào chương trình. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cáp quang ra đảo sẽ phải tính toán phù hợp kinh phí chương trình. Theo kế hoạch quý 3/2020, Quỹ sẽ hoàn thiện chương trình viễn thông công ích 2021 - 2025 và gửi xin ý kiến của các Sở TT&TT. Thông tin thêm về chương trình Viễn thông công ích, Cục Viễn thông cho hay, Việt Nam hiện có 8.000 thôn, bản trắng Internet, vì vậy sắp tới phải xóa trắng Internet ở những điểm đó.

Cũng tại hội nghị này, đại diện Cục Viễn thông đề nghị các Sở TT&TT tăng cường trao đổi thông tin với Cục cũng như nêu ra những khó khăn hay đề nghị hỗ trợ về chuyên môn để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/