CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Bưu chính-Viễn thông > Mô hình điểm Bưu điện – Văn hóa xã 20 năm xây dựng và phát triển trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Mô hình điểm Bưu điện – Văn hóa xã 20 năm xây dựng và phát triển trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Ngày đăng bài: 02/01/2019
Qua 20 năm triển khai mô hình điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ – VHX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 163 điểm BĐ-VHX (giảm 01 điểm so với năm 1998), trong đó, có 157 điểm đang hoạt động; 06 điểm tạm đóng cửa do hoạt động không hiệu quả. Tỷ lệ xã có điểm BĐVHX đạt 88,59% (163 điểm BĐVHX/184 xã).
Từ năm 1998, cùng với cả nước, hệ thống điểm BĐ - VHX trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Qua 20 năm hình thành, phát triển, mô hình này đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương với mục tiêu ban đầu là cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và đưa các thiết chế về văn hóa, trước hết là văn hóa đọc đến với người dân nông thôn. Tiêu chí để lựa chọn địa điểm xây dựng điểm Điểm BĐ – VHX là những xã chưa có bưu cục phục vụ, đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định, có điện lưới quốc gia và được địa phương cấp đất ở vị trí thuận lợi cho việc đi lại sử dụng dịch vụ và đọc sách của nhân dân.
Đến nay, Điểm BĐ - VHX là điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng do Nhà nước giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) xây dựng, duy trì, quản lý để cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ kinh doanh khác theo định hướng phát triển của VNPOST, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động đọc sách, báo phục vụ cộng đồng.  Điểm BĐ - VHX là điểm được ưu tiên lựa chọn để cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong Chương trình viễn thông công ích; đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước theo quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Đặc biệt, là địa điểm để tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn và các chương trình, dự án khác của Nhà nước về nông thôn phù hợp quy định về hoạt động tại điểm BĐ - VHX.
Đồng hành với quá trình xây dựng và phát triển mô hình BĐ - VHX trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung hướng dẫn và chỉ đạo Bưu điện tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, dự án tại các điểm BĐ-VHX như: Chương trình bưu chính và phát hành báo chí công ích; Dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam do Quỹ Bill & Melinda tài trợ (Dự án BMGF-VN); chương trình phối hợp tăng cường phục vụ đọc sách báo tại các Điểm BĐ-VHX với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hàng năm, đều tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian qua đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) theo đúng quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn theo quy định tại Quyết định 55/2016/QĐ-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án BMGF-VN đã đầu tư cho 30 điểm BĐ-VHX mỗi điểm 05 bộ máy tính, 1 máy in, camera an ninh, headphone… Sau thời gian được đưa vào sử dụng, đã thu hút người dân trên địa bàn đến sử dụng, khai thác thông tin nhanh qua mạng máy tính để phục vụ cho đời sống sản xuất và công tác, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần duy trì hoạt động của các điểm BĐ-VHX này.
Điểm Bưu điện Văn hóa Xã Đông, huyện KBang
Thực hiện Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2005 – 2010 và Chương trình Viễn thông công ích đến năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã xác nhận, đề xuất Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ kính phí duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng cho 33 điểm BĐ-VHX. Chương trình phối hợp tăng cường phục vụ đọc sách báo tại các điểm BĐ-VHX giữa Bộ TT&TT với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thực hiện luân chuyển nhiều lượt sách, báo phục vụ nhu cầu đọc của người dân trên địa bàn, góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn. Đến nay, các điểm BĐ-VHX tiếp tục được quan tâm duy trì, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan, Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động, phát triển của hệ thống điểm BĐ – VHX. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến các yếu tố thuận lợi được tạo ra từ sự định hướng đúng đắn khi bắt đầu triển khai chủ trương này của cơ quan chức năng. Đó là việc lựa chọn vị trí xây dựng các điểm BĐ-VHX tại địa thế thuận lợi như: ngay trung tâm xã, nằm trên trục đường chính, gần trường học, gần UBND... cũng như dùng điểm BĐ-VHX làm nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí, tham khảo tư liệu làm nông nghiệp, phát triển kinh tế; trang bị tủ sách pháp luật giúp người dân tìm hiểu, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước kịp thời. Đồng thời, trong quá trình phát triển, cùng với sự chú trọng trong công tác kiểm tra, định hướng, hướng dẫn việc nắm bắt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương nhằm tăng cường nâng cao hoạt động điểm BĐ-VHX của Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh cũng đã nhạy bén cho phép các điểm BĐ – VHX chủ động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân trong xã.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, cũng như chủ quan nên hoạt động của hệ thống điểm BĐ – VHX trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn như: diện tích tự nhiên của các xã trên địa bàn tỉnh rộng, dân cư phân bổ không không đồng đều, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế chưa phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề phát triển nông nghiệp, mức sống còn thấp so với thành thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh dịch vụ thông tin di động đã phổ biến rộng rãi nên nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại cố định công cộng của người dân là không cao, dẫn đến nhu cầu nhân dân sử dụng dịch vụ tại điểm BĐ-VHX rất ít…
Mặt khác, điểm BĐ-VHX  hiện nay không gian đọc như một “thư viện-bưu điện xã” không có; nhìn chung do yếu tố khách quan nên chỉ một số điểm BĐ-VHX phát triển, số còn lại hầu hết không đáp ứng đầy đủ ý nghĩa “văn hóa” của cụm từ “Bưu điện – Văn hóa xã”. Vì quỹ đất hạn hẹp, nhà BĐ-VHX thiết kế xây dựng nhỏ và thấp (trung bình mỗi điểm khoảng 100m2  đất, diện tích nhà tính cả phòng ở của nhân viên điểm BĐ-VHX  khoảng 50 đến 60m2), trong khi điểm BĐ-VHX vừa bố trí tủ sách, quầy giao dịch, buồng đàm thoại, có điểm còn lắp đặt thiết bị dịch vụ Internet công cộng… vừa là nơi nhân dân đến tham khảo tư liệu, đọc sách báo nên còn chật hẹp không đảm bảo một không gian sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, các điểm BĐ-VHX qua quá trình sử dụng lâu năm hầu hết đã xuống cấp. Một số điểm ở vị trí cao nên giếng nước không có để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân viên điểm BĐ-VHX cũng như công tác đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nơi giao dịch. Nguồn sách cung cấp còn ít phong phú, không đáp ứng nhu cầu tìm đọc của người dân, nhất là về các sách kỹ thuật nông nghiệp, y tế, pháp luật, sách phục vụ nhu cầu học tập của học sinh; sách báo phân về các điểm mang tính bình quân (có điểm nhu cầu đọc cao thì thiếu sách, có điểm sách được cấp về chỉ để trưng bày).
 Hiệu quả kinh doanh tại điểm BĐ-VHX hầu như không có, doanh thu dịch vụ điện thoại công cộng, một trong những nguồn thu chủ yếu của điểm BĐ-VHX trong những năm đầu hoạt động giảm sút nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của điểm BĐ-VHX giảm (nguyên nhân chính là do sự mở rộng mạng lưới viễn thông, Internet tới vùng nông thôn nên nhiều gia đình đã tự lắp đặt điện thoại cố định, Internet băng rộng, hoà mạng di động… khiến lượng người đến các điểm BĐ-VHX gọi điện thoại, đọc sách báo thưa dần). Phần đông nhân viên điểm BĐ – VHX có trình độ chuyên môn không cao, nhất là các dịch vụ mới như công nghệ thông tin, do đó trong quá trình cung cấp dịch vụ như Internet tại điểm BĐ – VHX chưa đảm bảo kịp thời khi có trục trặc kỹ thuật xảy ra. Mặt khác, người dân chủ yếu đến chơi game, download, nghe nhạc, chat… không có thói quen tìm hiểu thông tin trên mạng và hiệu quả loại hình dịch vụ này chưa cao.
Việc triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua dịch vụ BCCI tại các điểm BĐ-VHX gặp nhiều khó khăn, không phát sinh hồ sơ do tâm lý người dân còn e ngại. Một số địa bàn xã phát triển các dịch vụ cung cấp tại điểm BĐ-VHX chưa theo kịp xu hướng ngày càng đa dạng, nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác ngày càng cao của xã hội chính là nguyên nhân khiến điểm BĐ-VHX  không còn thu hút lượng người đến như thời gian đầu mới thành lập và đi vào hoạt động.
Cùng với đó, các văn bản chỉ đạo cụ thể từ Trung ương về nâng cao hiệu quả hoạt động từ mô hình điểm BĐ – VHX còn thiếu. Hoạt động của mô hình điểm BĐ – VHX hiện nay xuống cấp trầm trọng; việc tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với điểm BĐ-VHX gặp nhiều khó khăn vì cơ quan quản lý nhà nước lại không có vai trò quản lý trực tiếp hoạt động này. Việc quản lý, nắm bắt tình hình hoạt động điểm BĐ – VHX còn hạn chế (chỉ thực hiện qua các văn bản chỉ đạo, các đợt thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất hàng năm và theo dõi số liệu qua báo cáo).
Là một tỉnh miền núi, đời sống cũng như việc tiếp cận thông tin, tri thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, do đó ở Gia Lai, mô hình điểm BĐ-VHX rất cần được duy trì, đầu tư, nâng cao hoạt động để phục vụ nhân dân. Đây là mô hình mang ý nghĩa chính trị, xã hội lớn, là bộ mặt hạ tầng của các xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Do vậy cần có các Quyết sách từ Trung ương để các cấp các ngành ở địa phương có trách nhiệm trong việc nâng cao hoạt động, thực hiện nhiệm vụ công ích./.
Nguyễn Văn Minh