CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Bưu chính-Viễn thông > CHUYỂN MẠNG GIỮ SỐ - MNP

CHUYỂN MẠNG GIỮ SỐ - MNP

Ngày đăng bài: 12/04/2019
Thuê bao di động gặp khó khăn khi chuyển đổi từ nhà mạng di động này sang nhà mạng di động khác với gói dịch vụ tốt hơn bởi vì họ phải sẵn sàng thay đổi số điện thoại di động cũ và cập nhật tất cả thông tin liên hệ của mình bằng số mới. Kết quả là người tiêu dùng thường gắn bó với một nhà mạng ngay cả khi họ không hài lòng với dịch vụ mà nhà mạng cung cấp. Ngày 16/11/2018, Việt Nam đã chính thức cung cấp dịch vụ MNP (Mobile Number Portabilty) cho thuê bao trả sau; đến ngày 01/01/2019, dịch vụ này được cung cấp cho tất cả thuê bao di động (cả trả trước lẫn trả sau) của 04 nhà mạng: Vinaphone; MobiFone; Viettel và Vietnamobile. Với sự ra mắt của MNP, người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển đổi sang các nhà mạng khác mà không cần phải thay đổi số điện thoại.

MNP được viết tắt từ Mobie Number Portability có nghĩa dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao, là dịch vụ cho phép thuê bao có thể thay đổi nhà mạng cung cấp dịch vụ di động mà vẫn giữ nguyên được số điện thoại của mình. Mục tiêu của MNP là giúp người dùng có cơ hội chọn lựa nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không lo lắng về vấn đề đổi số thuê bao mới, đặc biệt là những số thuê bao được coi là "đẹp". Dịch vụ này được cung cấp lần đầu vào năm 1997 tại Singapore. Đến đầu những năm 2000, dịch vụ này được Mỹ, Australia và các nước Châu Âu triển khai. Trong khu vực Đông Nam Á các nước Thái Lan, Malaysia cũng đã cung cấp dịch vụ này. Đến nay, dịch vụ MNP đã có mặt tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành một xu thế phát triển phổ biến của thị trường viễn thông di động khi thị trường này đã bước vào ngưỡng bão hòa.
 
Quy trình thực hiện dịch vụ MNP có thể hình dung như sau:

 
 
 1.png
 
2.png

TTCM sẽ chịu trách nhiệm xử lý quy trình chuyển mạng. Cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại TTCM lưu trữ thông tin định tuyến của tất cả các thuê bao chuyển mạng và thông tin về giao dịch chuyển mạng của các thuê bao nhằm mục đích đối soát giữa các doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ cập nhật đồng thời tới tất cả cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp viễn thông di động mỗi khi có sự thay đổi thông tin bất kỳ về thuê bao chuyển mạng.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mạng giữ số các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Thuê bao gửi yêu cầu chuyển mạng giữ số, có một số kênh gửi yêu cầu như sau:
Thuê bao muốn chuyển đến mạng Viettel:
  • Trực tiếp đến các cửa hàng, điểm giao dịch của Viettel;
  • Tổng đài hỗ trợ miễn phí 1800.8098;
  • Website: http://viettel.vn/chuyenmanggiuso;
  • Ứng dụng My Viettel.
Thuê bao muốn chuyển đến mạng MobiFone:
  • Trực tiếp đến các cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone;
  • Tổng đài hỗ trợ miễn phí 1800.1090;
  • Website: https://chuyenmang.mobifone.vn/;
  • Ứng dụng My MobiFone.
Thuê bao muốn chuyển đến mạng Vinaphone:
  • Trực tiếp đến các cửa hàng, điểm giao dịch của Vinaphone;
  • Tổng đài hỗ trợ miễn phí 1800.1091 nhánh 5;
  • Website: http://chuyenmang.vinaphone.com.vn/home/index.jsp;
  • Ứng dụng My Vinaphone.
Thuê bao muốn chuyển đến mạng Vietnamobile:
  • Trực tiếp đến các cửa hàng, điểm giao dịch của Vietnamobile.
Bước 2: Thuê bao đến làm thủ tục chuyển mạng giữ số ở cửa hàng, điểm giao dịch nhà mạng muốn chuyển đến.
Bước 3: Thuê bao nộp cước chuyển mạng ở các điểm giao dịch của nhà mạng muốn chuyển đến và nhận SIM trắng.
Bước 4: Thuê bao gửi tin nhắn đăng ký đến Trung tâm chuyển mạng quốc gia bằng cách soạn YCCM gửi 1441 (miễn phí).
Bước 5: Thuê bao đợi nhận thông báo kết quả chuyển mạng qua tin nhắn. Nếu chưa được duyệt thành công, thuê bao sẽ nhận được thông báo lý do từ chối và cần ra cửa hàng của nhà mạng chuyển đến hoàn thành thủ tục. Nếu được duyệt, thuê bao sẽ nhận được lịch chuyển mạng của Trung tâm chuyển mạng quốc gia. Nhà mạng chuyển đi sẽ tiến hành cắt dịch vụ, nhà mạng chuyển đến tiến hành mở dịch vụ theo lịch.
Bước 6: Sau các bước trên, khi mạng di động cũ mất sóng, thuê bao đã có thể lắp SIM mới nhận được để sử dụng theo lịch thông báo của Trung tâm chuyển mạng quốc gia.
Lưu ý: Về cách thức hủy chuyển mạng: Kể từ thời điểm đăng ký chuyển mạng đến trước thời điểm nhận được thông báo lịch chuyển mạng từ Trung tâm chuyển mạng quốc gia, thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng có thể hủy chuyển mạng bằng một trong các hình thức sau:
  • Yêu cầu với doanh nghiệp chuyển đến, doanh nghiệp chuyển đến quy định các hình thức trực tiếp nhận yêu cầu hủy chuyển mạng của thuê bao (tại điểm giao dịch, điện thoại, tin nhắn,…);
  • Nhắn tin với cú pháp: HUYCM đến đầu số 1441.
 
Theo quy định tại Thông tư 35/2017/TT-BTTTT ngày 23/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông “Quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số”, các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp dịch vụ MNP một cách “bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử cho tất cả các thuê bao”; dịch vụ chuyển mạng không bao gồm việc chuyển các dịch vụ ứng dụng mà thuê bao đang sử dụng tại nhà mạng cũ (điều này có nghĩa là sau khi chuyển sang mạng mới, thuê bao sẽ phải đăng ký sử dụng các dịch vụ, ứng dụng mong muốn lại từ đầu); Điều kiện để các thuê bao được sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số là thông tin thuê bao chính xác; thuê bao đã được nhà mạng chuyển đi kích hoạt dịch vụ thông tin di động mặt đất ít nhất 90 ngày trước thời điểm đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển mạng; không đang có các khiếu nại, tranh chấp; không vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; không vi phạm các hành vi quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông…; các thuê bao di động đã chuyển mạng nhưng do lỗi kỹ thuật của hệ thống chuyển mạng, hoặc không hoàn tất các nghĩa vụ, cam kết với nhà mạng chuyển đi thì số thuê bao phải được hoàn trả về nhà mạng chuyển đi.
 
Đứng từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, MNP sẽ mang lại nhiều lợi ích: Thứ nhất, MNP sẽ tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, tạo nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới liên quan đến ứng dụng thương mại, các dịch vụ nội dung trên mạng điện thoại di động, từ đó thúc đẩy phát triển dịch vụ khác. Thứ hai, việc triển
khai dịch vụ MNP sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông và quản lý thuê bao trả trước. Bởi nhu cầu mỗi cá nhân có nhiều SIM dể sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp di động khác nhau sẽ giảm đi, lượng SIM rác cũng giảm theo. Đồng thời, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng sẽ phải khai báo chính xác các thông tin cá nhân liên quan, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý thuê bao, đặc biệt là thuê bao trả trước. Thứ ba, việc triển khai dịch vụ MNP còn đem lại nhiều lợi ích khác như tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông, hỗ trợ đảm bảo an ninh thông tin, tạo nền tảng cho sự phát triển thương mại điện tử.
Khi triển khai dịch vụ MNP, các Telco sẽ có nhiều cơ hội và thử thách mới. Đó là nguy cơ mất thị phần:  một số khách hàng trung thành (thường là thuê bao trả sau) có xu hướng chuyển sang mạng có chất lượng dịch vụ tốt hơn; một số lượng thuê bao (thường là thuê bao trả trước) sẽ chuyển sang các mạng có nhiều ưu đãi hơn; thêm vào đó chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào trung tâm chuyển mạng quốc gia (bản chất là chất lượng định tuyến cuộc gọi) nên công tác đảm bảo dịch vụ cần được chú trọng. Tuy nhiên, sự xáo trộn thị trường cũng là cơ hội để các Telco lôi kéo khách hàng từ các mạng khác; sắp xếp lại thị phần viễn thông di động và chuyển mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ thay vì nhà mạng thuần túy. Để chủ động trước những cơ hội và thử thách trên, các Telco cần có những giải pháp cụ thể trên tất cả các phương diện.
Về mặt ký thuật, trước nguy cơ chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng bởi trung tâm chuyển mạng quốc gia, các Telco cần tăng cường công tác đo kiểm và theo dõi chất lượng báo hiệu trên giao diện với trung tâm chuyển mạng quốc gia, các ảnh hưởng khách quan cần được kiến nghị và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó chất lượng vùng phủ sóng là một vấn đề cần được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ dữ liệu và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Về mặt chăm sóc khách hàng, cần tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, đặc biệt là công tác trả lời thắc mắc khiếu nại liên quan đến chất lượng dịch vụ trong giai đoạn bắt đầu triển khai MNP; phân loại thuê bao để xác định thứ tự ưu tiên giữ chân các thuê bao trung thành. Thêm vào đó, phải có chính sách thu hút thuê bao của các mạng khác như: thực hiện nhanh chóng thủ tục chuyển mạng; dịch vụ VAS (các dịch vụ giá trị gia tăng) của các nhà mạng nên rõ ràng, rành mạch; tăng khuyến mại cho thuê bao chuyển từ mạng khác đến.
Như vậy, MNP có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường viễn thông di động nhưng nhìn trong dài hạn MNP không phải là một vấn đề quá lớn mà ngược lại đem đến nhiều cơ hội cho những nhà mạng có chất lượng tốt.
Thương Nghị