CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Thông tin - Báo chí - Xuất bản > Tăng cường truyền thông chống kỳ thị một số nhóm người trong công tác phòng, chống dịc

Tăng cường truyền thông chống kỳ thị một số nhóm người trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Gia Lai

Ngày đăng bài: 15/06/2020
    Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội đã đăng tải rất kịp thời các thông tin, tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
    Tuy nhiên thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước đã xảy ra hiện tượng một số cá nhân, đơn vị có tâm lý kỳ thị đối với người nước ngoài, người bị nhiễm bệnh hoặc đang cách ly vì nghi nhiễm bệnh; trên một số trang mạng xã hội đã có cá nhân đưa thông tin có tính kỳ thị đối với khách du lịch là người nước ngoài, người đi về từ các địa phương có các ca nhiễm dịch bệnh Covid-19, đưa thông tin và bình luận tạo nên hiệu ứng "tẩy chay", "phỉ báng" những bệnh nhân có hành động thiếu chuẩn mực….Những nội dung thông tin như vậy có thể làm mất hình ảnh thân thiện, nhân đạo, hiếu khách của người dân Việt Nam, đồng thời làm gây nên tâm lý không muốn tự giác khai báo hiện tượng nghi nhiễm bệnh vì sợ bị kỳ thị. Tại tỉnh Gia Lai, tuy chưa xảy ra các trường hợp nêu trên, tuy nhiên để tiếp tục thực tốt công tác tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới với tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn; không kỳ thị, xa lánh đối với những người không may bị nhiễm dịch bệnh Covid-19 hoặc những người di chuyển từ vùng dịch về tỉnh Gia Lai.
    Nhằm góp phần triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị: các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức người lao động thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 102/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản khác của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sử dụng các nguồn tin chính thống từ Bộ Y tế, Sở Y tế để tuyên truyền tình hình phòng, chống dịch Covid-19 lên mạng xã hội để tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân, hiểu đúng, hiểu đủ, tránh hoang mang hoặc chủ quan. Không đưa tin hoặc chia sẻ, bình luận có nội dung kỳ thị, xa lánh đối với những người không may bị nhiễm dịch bệnh Covid-19 hoặc những người di chuyển từ vùng dịch về tỉnh Gia Lai. Phản biện những phát ngôn, hành động của cá nhân, tổ chức mang màu sắc kỳ thị hoặc có thể kéo theo làn sóng kỳ thị trong cộng đồng để người dân biết, thực hiện. Vận động mọi người tự giác tham gia khai báo y tế toàn dân. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao triển khai tích cực công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng tiếng Bahnar, Jrai cho người dân vùng dân tộc thiểu số (những nơi không có hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình sử dụng các phương tiện, dụng cụ, hiệu lệnh truyền thống theo quy ước của địa phương để thông báo tới các hộ gia đình để được biết).
    Đối với các các cơ quan báo chí địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị phải kiểm ra, rà soát khâu biên tập để tránh dùng những từ ngữ có thể gây tâm lý kỳ thị nhóm dân cư, nhất là đối với người nước ngoài, chiêu đãi viên hàng không, người đi từ vùng dịch trở về địa phương, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh…; tránh sử dụng “tít” và nội dung tin, bài có tính nghi vấn, suy đoán, gán ghép, liên hệ thiếu căn cứ, không đúng bản chất sự việc, thận trọng và phải kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng khi khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, cách thức bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, khai báo y tế tự nguyện toàn dân, các điển hình tốt trong phòng, chống dịch; thông tin việc xử lý của các cơ quan chức năng về các trường hợp đưa tin sai sự thật, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành việc cách ly theo quy định; đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền, kịp thời phản biện những phát ngôn, hành động của cá nhân, tổ chức mang màu sắc kỳ thị hoặc có thể kéo theo làn sóng kỳ thị trong cộng đồng để người dân biết, thực hiện.Tăng cường thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân./.
Lê Quế