Kết quả triển khai thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh- truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Triển khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020”. Ngày 06/6/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh- truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sau gần 02 năm triển khai thực hiện, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 17 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, thực hiện nhiệm vụ: phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, thể thao ở xã, phường, thị trấn. Tổ chức và cung ứng các dịch vụ công, đáp ứng như cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn.
Với mục tiêu đến năm 2020: 100% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh; 100% người làm việc tại cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; 95% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được trang bị hệ thống truyền thanh không dây; 100% cơ sở truyền thanh cấp xã thuộc địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tiến hành triển khai các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn cung cấp các thông tin chuyên đề, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức cơ sở truyền thanh- truyền hình cấp huyện; nghiên cứu bố trí ngân sách địa phương đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh số của cơ sở truyền thanh- truyền hình cấp huyện; Khuyến khích cơ sở truyền thanh- truyền hình cấp huyện sử dụng phương thức truyền thanh không dây và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào truyền dẫn phát thanh; Duy trì thực hiện phát lại truyền hình đến khi hoàn thành lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng theo quy định; Nâng cao chất lượng nội dung chương trình nhằm đảm bảo cung cấp thông tin thời sự phản ánh tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, đảm bảo các thông tin thiết yếu. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có 23 máy phát sóng – phát thanh, 521 cụm loa (tất cả đều sử dụng công nghệ truyền thanh FM không dây), trung bình mỗi tháng, các cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện đã sản xuất được khoảng 340 chương trình phát thanh và khoảng 50 chương trình truyền hình (để phát sóng trên đài Truyền thanh – Truyền hình Gia Lai); hàng năm phát sóng trung bình khoảng hơn 150.000 giờ. Nội dung phát sóng tập trung tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn, đảm bảo các thông tin thiết yếu, chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020”, Quyết định số 255/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh- truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn gặp một số khó khăn nhất định như: một số cán bộ quản lý và nhân viên trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, chuyên môn chưa cao; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được quan tâm đúng mức; tin, bài phát trên sóng địa phương có lúc có nơi còn chưa thiết thực, chưa nghiên cứu nhu cầu thính giả để lựa chọn thông tin phù hợp…/.
Hải Yến