Ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai: Triển khai hiệu quả Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020

Default news teaser image

    Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 3105/KH-UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sau 07 năm thực hiện (2013-2020), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 896) đã đạt được một số kết quả và đạt nhiều kết quả ghi nhận.
     Triển khai Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017; Quyết định 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018-2019, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4; tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh: https://dichvucong.gialai.gov.vn. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.826 thủ tục hành chính, tất cả đều được cung cấp ở mức độ 2, trong đó có 196 DVCTT mức độ 3 và 331 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
    Nhằm góp phần nâng cao việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng; phối hợp với mạng lưới bưu chính, viễn thông, ngân hàng… để hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay nhiều sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã ban hành danh mục các thủ tục hành chính không nhận trực tiếp, chỉ tiếp nhận qua mạng để giải quyết (đối với các cơ quan nhà nước) qua đó đã góp phần đẩy mạnh việc sử dụng các DVCTT mức độ 3 và 4.
    Trong năm 2019, Sở TT&TT đã tiến hành nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh để đáp ứng theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ để đăng tải bộ 500 câu hỏi/trả lời về các vấn đề liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công. Trong quí I năm 2020, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp một số dịch vụ công: Thông báo thực hiện khuyến mãi (Công thương); cấp đổi giấy phép lái xe, cấp lý lịch tư pháp...trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối với hệ thống một cửa điện tử các đơn vị. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, để xây dựng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.
    Hiện Sở đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các ứng dụng phần mềm dùng chung của tỉnh (gồm: hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến, ...) để xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Gia Lai phục vụ chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai. Theo đó, hiện nay, các hệ thống thông tin và các ứng dụng phần mềm dùng chung của tỉnh đã đảm bảo khả năng sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo phương án đã được phê duyệt (tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 109:2007/BTTTT về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia. Phối hợp với Cục Tin học hóa (thuộc Bộ TT&TT) cấp khóa chính thức để tỉnh Gia Lai thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu chính thức giữa hệ thống Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và LGSP của tỉnh Gia Lai; gồm: Hệ thống cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hệ thống về hộ tịch điện tử (Bộ Tư pháp); Hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hệ thống bưu chính công ích (VNPOST); Hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính); Hệ thống thanh toán platform (thanh toán quốc gia Paygov).
    Thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Gia Lai để Bưu điện thực hiện, các đơn vị, địa phương đã tích cực phối hợp với Bưu điện tỉnh để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính bằng DVCTT và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để tiếp nhận, trả kết quả tận tay người dân. Trong năm 2020, số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua DVCTT mức 3 và 4 so với tổng số hồ sơ của các thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tiếp lẫn trực tuyến (theo phương pháp đánh giá của Bộ Nội vụ về chấm điểm cải cách hành chính) đạt tỉ lệ 55,77% (tăng 6,97% so với 7 tháng, cụ thể: 4.381/7.756 hồ sơ, trong đó có 2.423 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua DVCTT độ 3 đạt 56,74% và 1.958 hồ sơ DVCTT mức độ 4 đạt 54,6% trên tổng hồ sơ của từng mức độ, không bao gồm số hồ sơ thực hiện qua các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh).
    Song song với việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên, Sở TT&TT đã thực hiện tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương, trung ương, ngành và tỉnh thành khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.Theo đó, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai đã tăng cường số lượng tin, bài, phóng sự có các nội dung liên quan đến công tác thu thập, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 896; thông tin rộng rãi về tổng điều tra cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh; hệ thống thông tin cơ sở địa phương cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở và đội xe lưu động. Hình thức tuyên truyền, tiếp cận thường xuyên được đổi mới cho phù hợp với trình độ dân trí, phong tục tập quán địa phương.
    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phải xây dựng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhiều dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trên địa bàn (kể cả hồ sơ giấy) do chưa có nhu cầu (các dịch vụ công này thường chỉ phổ biến ở các tỉnh, thành phố lớn); việc thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến tại một số một số đơn vị, địa phương chưa triệt để (vẫn còn tình trạng chưa ưu tiên xử lý hồ sơ trực tuyến); kỹ năng, thói quen ứng dụng công nghệ thông tin của người dân trên địa bàn tỉnh nên việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn hạn chế; chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để làm việc trên môi trường mạng (tỉnh Gia Lai có hơn 46,22% dân số là người dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí còn thấp); vẫn còn một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng DVCTT trong việc gửi các loại giấy tờ có giá trị như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …Vì vậy, đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực: xây dựng, đăng ký kinh doanh, đất đai... hầu như người dân thường nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp; không có nhu cầu tiếp nhận, giải quyết qua DVCTT dẫn đến số lượng hồ sơ phát sinh các lĩnh vực này có số lượng thấp hoặc không phát sinh hồ sơ; cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện hầu hết đã xuống cấp nên hiệu quả hoạt động, diện phủ sóng hạn chế; còn nhiều xã chưa có đài truyền thanh để phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền.
    Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai cung cấp nhiều phương thức, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Sở tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đặc biệt không để xảy ra tình trạng hồ sơ nộp trực tuyến chậm được tiếp nhận, xử lý; hương dẫn các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ công dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
    Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; các giải pháp xác minh thông tin để bảo đảm mức độ an toàn trong quá trình đăng ký, đăng nhập của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; Sở sẽ nghiên cứu các giải pháp để các dịch vụ công trực tuyến có thể cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; quản lý Cổng Dịch vụ công của tỉnh để tạo thuận tiện cho công dân, doanh nghiệp trong sử dụng, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống công nghệ thông tin của Trung ương (thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh – LGSP).
    Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác hướng dẫn tuyên truyền về công tác thu thập thông tin về dân cư, xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến toàn thể các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến. Chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp như: Tuyên truyền trên mạng xã hội như Facebook, Zalo; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… để tác động trực tiếp đến giới trẻ và từ đó thêm một kênh thông tin để đưa lợi ích của sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến từng hộ gia đình./.  

          Hải Yến

Quay lại