Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí thường trú tỉnh Gia Lai: Kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí thường trú tỉnh Gia Lai: Kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế.

    Những năm qua, hoạt động báo chí thường trú tại tỉnh Gia Lai đã từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 23 ( 11 văn phòng đại diện, 12 phóng viên thường trú hoạt động độc lập) cơ quan báo chí trung ương, ngành, tỉnh thành khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh với khoảng gần 100 nhà báo, phóng viên tác nghiệp có đăng ký thường trú với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của Điều 22- Luật Báo chí năm 2016. Đội ngũ báo chí thường trú đã cùng với đồng nghiệp tại địa phương thông tin, tuyên truyền các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế.
    Năm 2020 là năm đầy ắp những sự kiện trọng đại, nổi bật của Ðảng, đất nước, của tỉnh Gia Lai, các báo trung ương, ngành và tỉnh thành khác đã có hơn 9.000 tin bài viết về Gia Lai, trong đó có khoảng 0,47% tin, bài phản ánh vấn đề còn tồn tại (35 tin, bài) diễn ra trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập trung thông tin, tuyên truyền đậm nét về Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Gia Lai lần thứ X (ngày 11/9/2020); tuyên truyền Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh Gia Lai (ngày 25/9/2020); tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (được diễn ra chính thức từ ngày 28-30/9/2020); tuyên truyền việc triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong 02 tháng đầu năm 2021, lực lượng báo chí thường trú đã đồng hành cùng tỉnh trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác các thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Gia Lai, trong những thời khắc thời khắc đầy khó khăn của tỉnh với 27 ca ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2; cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng báo chí thường trú đã đồng hành cùng tỉnh trong việc thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời các thông tin chính thống để nhân dân tin tưởng, đồng lòng cùng với tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tốt được dịch Covd-19 trên địa bàn tỉnh, cuộc sống người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới; Nhiều tác phẩm báo chí ở tất cả các loại hình báo chí đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.

3.png
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí thường trú, cộng tác viên báo chí vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất định, các vi phạm trong hoạt động báo chí, việc các báo xa rời, tôn chỉ, mục đích vẫn còn diễn ra, việc vi phạm thông tin trên mạng vẫn còn tiếp diễn. Đơn cử trong năm 2020 và 02 tháng đầu năm 2021, Sở đã xử lý, kiến nghị xử lý (các cơ quan thuộc Bộ TT&TT), đề nghị phản hồi, cải chính các thông tin sai sự thật đối với 08 vụ việc liên quan đến báo chí tại địa phương.
    Thực tế lâu nay, sai phạm hoạt động của một số cơ quan báo chí, nhất là của các văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại địa phương vẫn có xảy ra. Tại tỉnh Gia Lai đã xảy ra trường hợp phóng viên, nhà báo xưng danh làm việc tại một tạp chí Người Cao tuổi nhưng lại đòi tìm hiểu, cung cấp thông tin về công tác bổ nhiệm nhân sự, công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Nên phải thẳng thắn nói rằng: tình trạng một số phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí hoạt động không tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã trở thành căn bệnh trong lĩnh vực báo chí. Không ít lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, xem nhẹ việc định hướng mục đích, tôn chỉ hoạt động tới các cán bộ, phóng viên trong tòa soạn; mặc cho phóng viên tự tung tự tác, miễn sao cung cấp được tin bài giật gân, có lượt xem (view) cao, và nhất là mang về được hợp đồng kinh tế, hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn. Thậm chí hiện nay đang có tình trạng một số văn phòng đại diện hoạt động theo hình thức "khoán doanh thu". Tòa soạn sẽ không chịu trách nhiệm trả lương cho phóng viên tại văn phòng, mà phóng viên phải tự lo. Theo đó, trưởng văn phòng đại diện được giao quyền tuyển dụng nhân sự, tổ chức các hoạt động để sao cho mỗi năm nộp về tòa soạn số tiền theo định mức. Cách thức quản lý này tất yếu nảy sinh tình trạng coi nhẹ thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Báo chí. Điển hình như trong những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Gia Lai  không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của tỉnh mà còn tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Giữa giai đoạn khó khăn, thay vì ý thức chung tay cùng cộng đồng, chia sẻ, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch bệnh, vượt khó khăn để vươn lên, những nỗ lực của các cấp, ngành và cả cộng đồng trong việc phục hồi kinh tế, đưa cuộc sống sớm trở lại nhịp độ bình thường... thì vẫn còn có một số phóng viên, nhà báo lại tranh thủ lợi dụng cơ hội này để làm ảnh hưởng đến những nỗ lực, cố gắng của địa phương trong công tác phòng, chống dịch; Đơn cử ngày 15/02/2021 trên Báo Điện tử pháp luật Việt Nam có đăng thông tin bài viết: "Thành Phố PleiKu: Tại sao Karaoke, Beer Club vẫn “lộng hành” giữa mùa dịch Covid-19?"; bài viết thông tin các nội dung phiến diện,  phản ảnh một chiều, nhận xét thiếu khách quan (lấy một sự việc, một số hiện tượng để đánh đồng toàn bộ sự việc), đặt câu hỏi gây hiểu nhầm cho người đọc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của UBND thành phố  và lãnh đạo UBND thành phố Pleiku, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng - chống dịch Covid-19 nhất là trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những biến biễn phức tạp tại tỉnh, bài viết đã gây hoang mang cho người dân, làm giảm lòng tin của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 đối với UBND thành phố Pleiku. Sở TT&TT đã ban hành văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam và Thanh tra Bộ TT&TT. Hiện tại Thanh tra Bộ đã có văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam yêu cầu giải trình vụ việc trên.
    Trước những thực trạng trên, vừa qua ngày 07/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định 119/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Một trong những điểm mới của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là việc điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm và phù hợp với yêu cầu thực tế. Tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các hành vi. Theo quy định tại Điểm e, Khoản 4, Điều 8 của Nghị định 119 quy địnhphạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; tại  Điểm d, Khoản 5, Điều 8 của Nghị định, phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng nếu hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng; Cũng tại Nghị định mới này đối với hành vi thông tin sai sự thật, các mức phạt này được điều chỉnh tăng từ 03 đến 07 lần (từ 50 đến 70 triệu đồng và từ 70 đến 100 triệu đồng) so với Nghị định cũ.
4.png
    Để công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục đạt kết quả trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan báo chí phối hợp:
    Đối với Sở Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan Đảng, chính quyền thực hiện tốt Quyết định số 788-QĐ/TU ngày 19/10/2017 của Tỉnh Ủy Gia Lai Quyết định ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; Quyết định số 789-QĐ/TU ngày 19/10/2017 của Tỉnh Ủy Gia Lai Quyết định ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin báo chí của tỉnh; Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và chỉ đạo của tỉnh; Chủ động tham mưu kịp thời với Bộ, với Tỉnh những vấn đề liên quan vượt thẩm quyền; Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ, giải pháp, kết quả phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
     Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị: Tiếp tục chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí những vấn đề liên quan đến địa phương, đơn vị, để báo chí được tiếp cận nguồn thông tin chính thống để thông tin kịp thời nhất là những vấn đề phát sinh tại địa phương; Thường xuyên theo dõi các thông tin trên báo chí, nhất là những thông tin viết về địa phương để kịp thời xử lý, phản ánh lại cho cơ quan báo chí; nếu phát hiện có thông tin báo chí không đúng sự thật, gây hậu quả xấu thì cũng cần có văn bản phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng để xử lý; Đề nghị nghiên cứu sử dụng Website: http://tingia.gov.vn; Email: online.abei@mic.gov.vn; Điện thoại: 18008108 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì để thông báo, phản ánh tin giả liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương.
    Đối với các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh: Đề nghị các cơ quan báo chí địa phương, trung ương, ngành và các tỉnh thành khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoặc cử phóng viên hoạt động thường xuyên trên địa bàn bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và hướng dẫn tuyên truyền của Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các vấn đề sự kiện của tỉnh, kết quả phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương; Đề nghị tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng và độ chính xác thông tin, chú ý về tiêu đề (rút tít), tăng tỷ lệ bài viết về các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn
    Hy vọng rằng, cùng với sự vào cuộc từ phía cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cũng như các nhà báo cần nghiêm túc, nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình. Hơn lúc nào hết, đạo đức của người làm báo, ý thức tuân thủ pháp luật, và trách nhiệm nghề nghiệp cần được đặt lên hàng đầu, tình trạng hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích cần được chấn chỉnh, những hành vi tiêu cực lợi dụng danh nghĩa báo chí cần được xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới có thể khẳng định được niềm tin của độc giả, phát huy vai trò tích cực của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.
Lê Anh 

Quay lại