CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin tổng hợp > Những kết quả đáng ghi nhận từ việc xây dựng các mô hình tham gia bảo đảm an toàn giao thông trên đ

Những kết quả đáng ghi nhận từ việc xây dựng các mô hình tham gia bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2018

Ngày đăng bài: 07/12/2018

Gia Lai là một tỉnh miền núi phía bắc khu vực Tây Nguyên, tỉnh hiện có 4 tuyến quốc lộ (14, 14C, 19 và 25). Quốc lộ 14 chạy hướng Bắc-Nam dài 113 km nối với tỉnh Kon Tum, Đak Lak; quốc lộ 19 chạy hướng Đông-Tây dài 168 km nối với tỉnh Bình Định và Vương quốc Campuchia về phía Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; quốc lộ 25 dài 112 km nối với tỉnh Phú Yên. Về hệ thống giao thông nội tỉnh, Gia Lai có 11 tuyến tỉnh lộ, dài 537 km nối liền các huyện, thị xã, thành phố có vai trò là các đường vành đai của tỉnh. Đường huyện, thị xã, thành phố và đường xã, thôn dài gần 10.000 km.


Trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội  các cấp quan tâm và triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia, chạy quá tốc độ, lấn đường, vượt ẩu; liên quan đến thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số và xe công nông chở người gây tai nạn nghiêm trọng tăng cao. Việc xử lý xe bị đình chỉ lưu hành, xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông chở người, xe quá khổ, xe quá tải, “xe dù”, “bến cóc” và tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa được khắc phục triệt để… Cụ thể, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 413 vụ tai nạn giao thông, làm chết 233 người, 486 người bị thương; từ đầu năm 2018 đến 15/5/2018 toàn tỉnh đã xảy ra 171 vụ tai nạn giao thông, làm chết 123 người, bị thương 171 người.  
Xác định an toàn giao thông là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân và sự phát triển KT-XH của địa phương; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chọn điểm và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình điểm về khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó tập trung hướng dẫn các địa phương phát huy hoạt động của các nhóm nồng cốt, các tổ, nhóm tự quản ở cơ sở, hướng dẫn các địa phương căn cứ thực tế để chọn mô hình phù hợp. Qua đó, có nhiều mô hình điển hình về tham gia bảo đảm an toàn giao thông được triển khai đạt hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Nổi bật là công tác xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông” và “Gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông” được triển khai sâu rộng và ngày càng đi vào chiều sâu trên địa bàn toàn tỉnh; các nhóm nồng cốt, tổ tự quản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông đường bộ, đã có tác động tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân.
Năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng 04 mô hình điểm “Khu dân cư và gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông” tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê và huyện Chư Prông. Với phương châm lấy KDC là địa bàn phối hợp thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; tổ chức cho các khu dân cư và các hộ gia đình ký cam kết thực hiện các nội dung trong bản cảm kết khu dân cư và gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông và lồng ghép trong việc đăng ký “Khu dân cư văn hóa” và “Gia đình văn hóa”; kết quả thực hiện được đánh giá hàng năm thông qua “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức cho trên 300.000 hộ gia đình đăng ký bảo đảm trật tự an toàn giao thông và 2.161 khu dân cư đăng ký bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các địa phương tổ chức tốt công tác này như: huyện Kbang: có 15.955 hộ gia đình và 167/167 khu dân cư và 14/14 xã, thị trấn đăng ký đảm bảo trật tự an toàn giao thông (đạt tỷ lệ 100%); huyện Phú Thiện: có 21.747 hộ gia đình và 130/130 khu dân cư đăng ký tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đạt tỷ lệ 100%); thị xã An Khê: có 15.468 hộ gia đình và 90/90 khu dân cư đăng ký đảm bảo trật tự an toàn giao thông (đạt 100%); thị xã Ayun Pa: có 7.790 hộ gia đình và 55/55 khu dân cư đăng ký đảm bảo trật tự an toàn giao thông (đạt 100%)…
 Nhiều mô hình, điển hình đã và đang hoạt động có hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương như: Huyện Chư Sê: Mô hình “Tự quản các đoạn đường liên thôn, nông thôn” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã Ia Plang phối hợp thực hiện trên địa bàn 10 thôn, làng của xã. Tổ tự quản đã phối hợp với Công an xã tổ chức cho nhân dân đăng ký không vi phạm luật ATGT cho: 01 xe khách; 25 xe tải; 13 xe con; 2.235 xe Mô tô và tổ chức cho chủ phương tiện của 499 xe công nông ký cam kết không vi phạm luật ATGT đường bộ, không chở người trên thùng xe trái quy định, điều khiển xe trên các tuyến quốc lộ. Ngoài ra, MTTQ và các ban, ngành của xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức và vật chất trong công tác làm đường giao thông nông thôn thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân đã hiến hơn 1000m2 đất nông nghiệp để mở đường; nhiều hộ tự chặt cây trồng nhà mình khi mở rộng đường và làm đường Bê tông; tham gia đóng góp tiền để mở rộng đường trung tâm của xã… Huyện Đăk Pơ với mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn giao thông” của thôn An Bình, xã cư An: năm 2015, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư An đã quyết định xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản về an toàn giao thông” trên địa bàn thôn An Bình. Nhằm phát huy tốt vai trò của Mặt trận, Ban công tác Mặt trận đã phối hợp với các đoàn thể trong thôn đi đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và ký cam kết thực hiện "Gia đình không vi phạm luật giao thông đường bộ" theo Hướng dẫn của Ban Thường trực Mặt trận huyện, xã, đã tổ chức cho 36/36 hộ có nhà ở dọc Quốc lộ 19 ký cam kết (đạt 100%). Bên cạnh việc tuyên truyền, thông tin đến người dân về những quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, tổ tự quản đã nhắc nhở 30 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ (chủ yếu chở vượt quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm…), từ đó ý thức của người dân trong việc thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã được kìm chế, giảm hẳn số vụ vi phạm trên địa bàn. Hàng năm lấy việc chấp hành luật Giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí để bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Huyện Ia Pa với Mô hình xây dựng “Đoạn đường tự quản”, “Làng phụ nữ kiểu mẫu” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại Thôn Mô Rin 3, xã Ia Mrơn: qua đó để chủ trương “Đoạn đường tự quản” nhận được sự đồng thuận, tự giác thực hiện trong nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thôn đã chủ trì phối hợp với các Chi hội tổ chức 5 buổi họp dân thu hút trên 730 lượt người dân tham dự; phối hợp với đoàn thể cấp trên tổ chức được 7 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo an toàn giao thông, trật tự thôn xóm thu hút hơn 570 lượt người dự nghe; vận động được 52 hộ có xe công nông, độ chế cam kết tham gia giao thông an toàn; tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không bán rượu bia sau 22 giờ, đến nay đã có 13 hộ cam kết thực hiện. Tổ chức họp nhân dân và thống nhất chọn các đoạn đường phức tạp, điểm nóng về an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện “Đoạn đường tự quản” với tổng chiều dài hơn 900m (trong đó “Đoạn đường thanh niên tự quản” là 350m, “Đoạn đường phụ nữ tự quản” là 450 m). Vận động nhân dân trong thôn tham gia đóng góp được 26.750.000 đồng, hiến 600 m2 đất, 270 ngày công để làm đường bê tông nông thôn… Từ  những việc làm cụ thể, thiết thực cán bộ và nhân dân trong thôn đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình, điển hình đã và đang hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: mô hình “Gắn biển hiệu An toàn giao thông bằng chất phản quang ở trước và 2 bên đuôi xe công nông”; mô hình “Đoạn đường Mặt trận Tổ quốc đảm bảo trật tự an toàn giao thông” tại huyện Chư Pưh; mô hình “Tuyến đường kiểu mẫu” của thành phố Pleiku và mô hình “Khu dân cư tự quản” của Phường Diên Hồng, Thành phố Pleiku…
Trong 4 năm qua, đã có nhiều cá nhân tích cực tham gia góp phần xây dựng hiệu quả các mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: bà Lương Thị Được - Trưởng Ban Công tác Mặt trận của làng Thái Sơn, xã Tơ Tung, huyện Kbang đã có nhiều đóng góp xây dựng hiệu quả mô hình “Tổ tự quản an toàn giao thông”, “Đoạn đường tự quản an toàn giao thông”,“Khu dân cư an toàn giao thông” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hàng năm, vận động 100% hộ gia đình của làng Thái Sơn đăng ký cam kết chấp hành luật an toàn giao thông gắn với đăng ký “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên phát quang, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, không lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng; vận động nhân dân mở đường vào khu sản xuất được hơn 4 km, đóng góp trên 55 triệu đồng, vận động anh, chị em trong gia đình đóng góp trên 4 triệu đồng và 2 sào đất để mở đường vào khu sản xuất… Ông Nay Ka - Bí thư chi bộ Bôn Ma Nher II, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa: tích cực vận động 141 hộ gia đình trong Bôn đăng ký bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đạt 100%), tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi của nhân dân khi tham gia giao thông góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “Gia đình bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; bản thân ông cũng đã hiến hơn 200 m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng và đường giao thông nông thôn; tuyên truyền, vận động nhiều hộ gia đình trong Bôn hiến đất làm đường bê tông… Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Bình, xã Cửu An, thị xã An Khê đã có nhiều đóng góp tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền và ngày công để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, cụ thể: năm 2015 vận động nhân dân hiến 2.723 m2 đất, đóng góp 360 triệu đồng và đóng góp 134 ngày công lao động làm đường nội đồng; năm 2016, vận động nhân dân đóng góp 290 triệu đồng và 93 ngày công lao động làm đường dài 300 m giao thông nông thôn; năm 2018, vận động nhân dân tham gia làm đường nội đồng với số tiền 90 triệu đồng thuộc chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm…          

Có thể nói rằng, công tác xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”  và “Gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông” được triển khai đồng bộ, các nhóm nòng cốt, tổ tự quản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật giao thông đường bộ, đã có tác động tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Có được kết quả trên là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân với phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, phát huy tốt vai trò của Ban công tác Mặt trận, các chi hội, chi đoàn trong xây dựng điển hình trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng./.

Thanh Hương

Các tin khác

Kế hoạch Tuyển dụng công chức vào làm việc ở các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh Gia Lai năm 2024 (10/04/2024)

KẾ HOẠCH Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ... (07/03/2024)

QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Quy chế Chi tiêu nội bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (23/02/2024)

Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ (15/12/2023)

QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự phỏng vấn (vòng 2) Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai theo số lượng người được giao... (22/02/2023)

THÔNG BÁO Danh mục tài liệu ôn tập Kỳ xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2022 (22/02/2023)

QUYẾT ĐỊNH Ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (14/02/2023)

KẾ HOẠCH Tuyên truyền công tác Cải cách hành chính năm 2023 (30/12/2022)

V/v phối hợp xây dựng dự thảo Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (06/10/2022)

THÔNG BÁO Về việc tiếp nhận công chức vào vị trí kế toán của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai (05/08/2022)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8  >  >|