CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > Sản phẩm đặc trưng Chư Păh tiếp cận đến người tiêu dùng

Sản phẩm đặc trưng Chư Păh tiếp cận đến người tiêu dùng

Ngày đăng bài: 26/06/2020
     Với sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên cũng như sự cần cù, chịu khó của người nông dân đã giúp Chư Păh sở hữu nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, gây được ấn tượng, sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Đây cũng chính là lợi thế để huyện thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo định hướng chung của tỉnh. Riêng trong năm 2019 vừa qua, Chư Păh đã có được 4 sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng từ 3 đến  4 sao. Đây được xem là tấm vé thông hành để các sản phẩm của các địa phương Chư Păh tiến đến những thị trường rộng lớn hơn.
     Cơ sở sản xuất Trung Phúc, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh là cơ sở tiên phong tại địa phương trong lĩnh vực sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý, được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Từ việc nắm bắt nhu cầu thị trường đến quá trình tìm tòi, nghiên cứu quy trình kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị máy móc. Đến nay, cơ sở này đã thực hiện thành công việc sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, một trong những sản phẩm dược liệu có quy trình sản xuất thuộc vào loại khó thực hiện nhất. Đây cũng chính là loại dược liệu được mệnh danh là “thần dược” vì có chứa đến 17 loại axit amin tốt cho sức khỏe con người, giúp bồi bổ cơ thể, khả năng ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể; hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nan y, bệnh liên quan đến nội tiết cơ thể, đường sinh sản…Cơ sở sản xuất Trung Phúc hiện đang sản xuất các dòng nấm đông trùng hạ thảo theo chủng nấm của Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Với các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô, đông trùng hạ thảo ngâm rượu, mật ong…Đặc biệt, cơ sở này là một trong rất ít cơ sở sản xuất thành công sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo từ xác động vật. Đây cũng chính là dòng sản phẩm có chứa dược tính cao và được bán với giá khá cao trên thị trường, trung bình 100 nghìn/1 con. Anh Phan Văn Định, chủ Cơ sở sản xuất Trung Phúc, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai cho biết “Bắt đầu là mình trồng dâu nuôi tằm rồi lấy con nhộng tằm để nuôi đông trùng hạ thảo. Vì con nhộng tằm này nó có rất nhiều dưỡng chất. Quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt, khó khăn, môi trường phải vô trùng, tiệt trùng hoàn toàn…Phải mất 3 tháng thì mới được một mẻ nấm. Mình cũng học hỏi, mày mò trên sách báo, internet để mà làm được.”
     Để đưa sản phẩm ra thị trường, sau mỗi lứa sản phẩm, cơ sở sản xuất đều gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng sản phẩm và kiểm tra thành phần dược tính có trong sản phẩm. Kết quả cho thấy, thành phần dược tính của sản phẩm đều ở mức khá. Quan trọng nhất là 2 dược chất chỉ tồn tại duy nhất ở đông trùng hạ thảo và có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển là Adenosin và Cordycepin qua kiểm tra đều có trong sản phẩm do cơ sở này sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm của cơ sở đều đáp ứng đầy đủ các giấy tờ, nhãn mác do cơ quan có thẩm quyền cấp. Và mới đây nhất, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh cũng đã đánh giá sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở Trung Phúc đạt tiêu chuẩn 3 sao. Anh Phan Văn Định, chủ cơ sở đông trùng hạ thảo Trung Phúc, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai nói thêmCơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ, chất lượng của sản phẩm do quá trình nuôi cấy mà nên chứ không hề bơm chất nhân tạo vào sản phẩm. Chúng tôi luôn chú trọng vào chất lượng để mang đến những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo nhất cho người tiêu dùng, sản phẩm luôn đầy đủ giấy tờ chứng nhận chất lượng. Hiện đang được mở rộng thị trường.
40.png

Cơ sở sản xuất Trung Phúc là cơ sở tiên phong tại huyện Chư Păh
trong lĩnh vực sản xuất nấm đông trùng hạ thảo.
 
     Ngoài đông trùng hạ thảo, trong năm 2019 vừa qua, huyện Chư Păh đã phát triển được một số sản phẩm của địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong đó, có thể kể đến như sản phẩm chè khô Biển Hồ, cà phê Xuân Dương, tinh dầu thiên nhiên Mysa, mật ong Phước Hỷ, thịt heo gác bếp…Việc phát triển các sản phẩm đặc trung theo chương trình OCOP hứa hẹn sẽ góp phần tạo được bước đột phá về chất lượng để mở rộng cánh cửa ra thị trường cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với việc đầu tư về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, các hoạt động quảng bá sản phẩm ra thị trường đã sớm được quan tâm. Trong đó, điểm đáng ghi nhận nhất là các cơ sở sản xuất trên địa bàn đã liên kết với nhau để hình thành nên một gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Đây được xem là bước đi cần thiết để sản phẩm của địa phương ghi được dấu ấn với người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị My Sa, chủ cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP huyện Chư Păh, Gia Lai chia sẻ “Xuất phát từ việc thời gian qua, bà con nông dân cũng như các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện sản xuất được rất nhiều sản phẩm nhưng mà chưa giới thiệu, quảng bá được nhiều đến người tiêu dùng nên chúng tôi đã nghĩ ra việc mở một cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm như thế này. Với hy vọng là thông qua đây, mọi người có thể biết đến nhiều hơn các sản phẩm của địa phương cũng như khách du lịch ở nơi khác đến có thể dễ dàng lựa chọn các sản phẩm của địa phương mà không phải đi tìm kiếm nhiều. Cùng với đó, chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ sở sản xuất khác để tạo ra được nhiều sản phẩm đạt chất lượng hơn…”
      Những bước đi đúng hướng, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường sẽ góp phần đưa các sản phẩm địa phương của Chư Păh tiếp cận nhanh hơn với thị trường và người tiêu dùng. Từ đó, tạo khí thế và động lực để bà con nông dân, các cơ sở sản xuất và HTX trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có giá trị và mang đến lợi nhuận cao hơn trong thời gian đến./.
Ngọc Hà