CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > Nghĩ về tư duy và đạo đức báo chí

Nghĩ về tư duy và đạo đức báo chí

Ngày đăng bài: 21/06/2018
Báo chí cách mạng nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt: cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, trang-thiết bị và công nghệ, trình độ đội ngũ. Bám sát nhiệm vụ chính trị, báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh báo chí nước ta hiện tại cũng chỉ ra rằng, báo chí đang đối mặt với nhiều vấn đề. Ví như thông tin một chiều, câu khách, giật gân. Tình trạng thông tin sao chép, trùng lặp quá nhiều đến mức bội thực, nhất là những thông tin thiên về giải trí và thói hư tật xấu, tai-tệ nạn xã hội. Cân đối thông tin giữa các lĩnh vực, ngành, địa phương, vùng miền không đảm bảo. Thông tin đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động còn ít, chưa kịp thời. Thông tin gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt sơ sài hoặc thiếu chiều sâu thuyết phục. Thậm chí, nhiều thông tin bịa đặt, sai sự thật, vô tình bị kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội và đất nước…
 
Phóng viên báo, đài trong một buổi tác nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
Phóng viên báo, đài trong một buổi tác nghiệp. Ảnh: Đức Thụy

Trong những tồn tại nêu trên, vấn nạn trùng lặp và sao chép, “xào nấu” thông tin lẫn nhau xảy ra trên nhiều loại hình, cơ quan báo chí hiện nay là đáng ngại nhất. Những ai quan tâm đến tình hình thời cuộc, đất nước thông qua báo chí đều có chung nhận xét này. Bởi khi mở vài trang báo (nhất là báo mạng) là có thể bắt gặp ngay sự trùng lặp nhan nhản. Và nếu thông tin chia sẻ này không chính xác thì tác hại khôn lường. Vụ việc một em học sinh tự tử xảy ra ở huyện Ia Grai là bài học nhớ đời với không ít tác giả và cơ quan báo chí. Phóng viên chia sẻ, “cho” nhau bài vở là điều đã và đang diễn ra, chẳng những một mà nhiều cơ quan báo chí khác nhau. Yêu cầu cập nhật, tránh bỏ sót thông tin theo nhiệm vụ được phân công của phóng viên hiện nay là điều có thật, dù rằng “gu” sử dụng bài vở hay thông tin của một số tờ báo chưa chắc là đã phù hợp, đúng đắn.

Thông tin là quyền, là chức năng của báo chí nói chung và đều dựa trên những quy định, nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Nhưng điều không bình thường ở chỗ, tính chất, tầm quan trọng, ý nghĩa thông tin đó thực ra không cần thiết đến mức phải tốn nhiều thời gian, thời lượng, giấy mực, công sức đến thế. Một nghệ sĩ trẻ tuổi nào đó, cũng chưa đóng góp gì nhưng có thể là đề tài không ít tờ báo tập trung đề cập, khai thác, nào là giới tính, người yêu, trang phục, xe cộ, những người liên quan... Tất tần tật đều được khai thác không chừa một chỗ nào. Cách “phát hiện”, “nuôi dưỡng”, “đào sâu” thông tin kiểu này chỉ có làm hại tờ báo, cơ quan báo, cuối cùng là làm mất uy tín, bị bạn đọc quay lưng mà thôi. Bạn đọc nghiêm túc rất khó chịu với kiểu làm báo này, thông tin kiểu này, nhưng lạ là nó vẫn chưa có “thuốc chữa” triệt để.

Một căn bệnh trầm kha khác trong làng báo là việc cóp nhặt, sao chép, cắt dán thô lỗ, vụng về. Biểu hiện của loại “bệnh” này là không phát hiện, chắt lọc được gì từ báo cáo để khai thác thông tin mà “bê” nguyên xi làm tin, bài. Rồi cóp nhặt, cắt dán bài vở của người khi tinh vi, khi vụng về. Thậm chí là “ăn cắp” ý tưởng, bố cục, ý tứ rồi “dán” tư liệu vào để làm thành bài báo của mình. Hay biểu hiện “na ná” với cách làm trên là lấy tư liệu từ các báo rồi ngồi “bình” ra làm thành bài báo... mới!  Lối hình thành bài báo kiểu này phổ biến ở thể loại bình luận, phiếm luận. Quá nhiều bài báo do “làm” không tới, chẳng thấy phân tích đúng-sai, thiếu lý lẽ, chứng cứ mở rộng, đào sâu, không đúc kết kinh nghiệm, bài học gì nên cuối cùng là vô bổ. Với những bài báo kiểu này, cái gọi là tư duy, óc sáng tạo, tinh thần ham học hỏi, kiên trì vốn là yêu cầu đối với một nhà báo, không thấy hiện diện.

Dẫn ra những biểu hiện trên thực ra cũng chỉ nhằm đề cập đến thói lười biếng tư duy và tình trạng xuống cấp đạo đức đang tồn tại trong làng báo. Không phân tích thêm khủng hoảng tư duy làm báo là thế nào, cũng như vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí, vì đã ít nhiều đề cập.

Nghề báo là nghề phải phấn đấu suốt đời. Bởi kiến thức làm nghề mông mênh như biển cả. Chưa có nhà báo đàng hoàng nào dám vỗ ngực xưng tên là nhà báo giỏi, nhà báo tài, dẫu họ từng được ghi nhận, vinh danh. Xưa nay phẩm hạnh của người càng giỏi là càng khiêm tốn nép mình. Cái tài, cái đức của người làm báo không phải chỉ ở chỗ hô hào, nói năng nhăng cuội mà phải bằng tác phẩm chứng minh, thể hiện ở nhân cách, đạo đức hàng ngày. Nhà báo chân chính bao giờ cũng coi nghề thiêng liêng cao quý, luôn đội lên đầu như một sứ mệnh cao cả, lớn lao nên không cho phép mình chủ quan, sơ suất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Những chữ thoạt nghe nhẹ nhàng, đơn giản: cơ quan ngôn luận, tuyên truyền, giáo dục, diễn đàn... xem ra chưa bao giờ là nhẹ nhàng, là đơn giản với bất cứ nhà báo nghiêm túc nào. Bởi nó có quan hệ mật thiết với tổ chức, cá nhân người làm báo, xa hơn là trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước và dân tộc. Làm sao một nhà báo trong công việc cũng như đời thường để xảy ra điều tiếng này nọ mà có thể đại diện cho công luận, được thực thi vai trò tuyên truyền giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật? Tất nhiên là không!

Rõ ràng, như các bậc thánh hiền từng dạy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Chỉ có người hèn chứ không có nghề hèn”. Nghề báo cũng như nhiều ngành nghề trong xã hội ta luôn cao quý, đẹp đẽ. Người làm báo nên nhận thức đầy đủ vấn đề này. Tôi luôn nghĩ làm báo không phải chỉ có may mắn được đi nhiều nơi, biết nhiều người, hay là gì gì khác, mà đó là nghề đề cao sự tự trọng, lòng trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh; đòi hỏi không ngừng rèn luyện để tiến bộ. Luôn luôn đó là nghề đầy cạm bẫy và thử thách, rất cần sự sàng lọc nghiêm túc để có được những người làm báo tốt, bài báo tốt.

Theo Baogialai.com.vn

Các tin khác

THÔNG BÁO Kết quả phỏng vấn (vòng 2) và dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2020 (02/12/2020)

Thông báo Danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự phỏng vấn (vòng 2) kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2020 (29/10/2020)

Thông báo Về việc hướng dẫn hình thức phỏng vấn và đề cương tài liệu ôn tập kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2020 (29/10/2020)

Về việc phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự phỏng vấn (vòng 2) kỳ xét tuyển viên chức sự nghiệp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2020 (28/10/2020)

TRIỂN LÃM SÁCH TRỰC TUYẾN QUỐC GIA BOOK365 THƯ VIỆN CỦA BẠN ĐỌC YÊU SÁCH (30/09/2020)

THÔNG BÁO Nhu cầu tuyển dụng viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2020 (17/09/2020)

Kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp Sở Thông tin và Truyền thông năm 2020 (31/08/2020)

Thông báo Về việc điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng và thời gian tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức năm 2020 (03/08/2020)

Thông báo Về việc bổ sung chỉ tiêu, điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng và thời gian tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức ở các cơ quan hành chính năm 2020 của tỉnh Gia Lai (31/07/2020)

Về việc bổ sung, điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng công chức của một số cơ quan, đại phương đã được công bố tại Kế hoạch số 1363/KH-UBND ngày 01/7/2020 của UBND tỉnh (30/07/2020)

 |<  <  3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12  >  >|