CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Tin Nổi bật > Cổng Dịch vụ công quốc gia sắp khai trương: Người dân được làm thủ tục nào đầu tiên?

Cổng Dịch vụ công quốc gia sắp khai trương: Người dân được làm thủ tục nào đầu tiên?

Ngày đăng bài: 17/06/2019
“Chính phủ điện tử không phải là việc gửi giấy mời qua email, hướng tới nền kinh tế số, phục vụ người dân mới là mục tiêu của Chính phủ điện tử”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lưu ý và cho biết việc cấp đổi bằng lái xe sẽ nằm trong số các thủ tục đầu tiên được phục vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sắp khai trương.
20190614-m01.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Sáng 13/6, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 10 bộ, cơ quan để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.
 
Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các bộ, cơ quan: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách nền hành chính theo hướng hiện đại, quan trọng hơn nữa là xây dựng Chính phủ phục vụ, hướng tới người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.
 
Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhiệm vụ đã được triển khai, hoàn thành. Ngày 24/6 tới đây, Thủ tướng sẽ khai trương hệ thống e-Cabinet kết nối các thành viên Chính phủ, hướng tới chính phủ phi giấy tờ, thay vì lấy phiếu các thành viên, thảo luận trên giấy thì chuyển sang hệ thống điện tử.
 
Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, đến tháng 11/2019 sẽ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia, tinh thần là không cầu toàn mà chọn một số dịch vụ làm trước như cấp đổi bằng lái xe và một số dịch vụ mà người dân và doanh nghiệp cần nhất.
 
Trước đó, ngày 12/3/2019, Thủ tướng đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và tới ngày 12/6 đã có trên 42.000 văn bản gửi và hơn 130.000 văn bản nhận trên Trục này. Riêng việc chuyển từ hồ sơ giấy sang điện tử đã tiết kiệm mỗi năm 1.200 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc, trong đó khó nhất là việc định danh và xác thực điện tử trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có.
 
Trung ương gương mẫu làm trước
 
“Tinh thần Thủ tướng nhắc tôi, 10 bộ tham gia buổi làm việc hôm nay phải là mẫu hình, Trung ương làm trước, địa phương làm sau. Những nhiệm vụ quá hạn, sắp tới hạn thì cần rà soát để làm quyết liệt. Chính phủ điện tử mà làm chậm thì không đạt yêu cầu”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
 
Nhắc tới các ví dụ thực tế ở nhiều quốc gia như mỗi người dân đổ rác hay đỗ xe sai vị trí đều được ghi nhận, phản ánh về trung tâm và bị phạt nguội chứ không có cảnh sát đến tận nơi hay có nước quy định người dân xếp hàng không quá 15 phút khi làm dịch vụ công, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh rằng “nếu chúng ta vẫn làm như cũ thì không được”.
 
Chỉ đạo của Thủ tướng là nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, với nền tảng thể chế, nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng cơ sở dữ liệu…  Đặc biệt, hướng tới nền kinh tế số, phục vụ người dân mới là mục tiêu của Chính phủ điện tử, Chính phủ điện tử là công cụ phục vụ nhân dân. Phải đẩy mạnh cải cách nội bộ, lấy cơ quan Trung ương làm hình mẫu, tạo áp lực với cấp dưới.
 
Tại buổi làm việc, sau khi nêu rõ tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao cho các bộ, cơ quan. Với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, triển khai giải pháp liên thông giữa hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng… Đẩy sớm tiến độ xây dựng các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu và về định danh, xác thực điện tử; sớm đề xuất phương án đẩy mạnh cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số.
 
Đặc biệt là Tổ công tác lưu ý các bộ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án cơ sở dữ liệu, như cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), dữ liệu về doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dữ liệu về đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dữ liệu về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và nghị định liên quan (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cơ sở dữ liệu về tài chính (Bộ Tài chính).
 
Cùng với đó, các bộ cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ.
 
Nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra tại buổi làm việc. Chẳng hạn đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cho tới nay, tất cả văn bản trình duyệt nội bộ đã được thực hiện trên môi trường điện tử, trừ các văn bản như khen thưởng, bổ nhiệm… Ngoài ra, văn bản gửi ra bên ngoài thì vẫn phải sử dụng bản giấy ký tươi vì vướng quy định hiện hành về lưu trữ.
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần thay đổi quan niệm, kể cả văn bản khen thưởng hay bổ nhiệm cũng cần áp dụng trình ký điện tử, chữ ký số, chỉ trừ các văn bản mật được quản lý trên hệ thống riêng. Trong khi đó, đại diện Cục Văn thư-Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) khẳng định quy định hiện hành cho phép lưu trữ văn bản chữ ký số.
 
Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhắc các bộ về nhiều nội dung khác. Chẳng hạn, tỉ lệ áp dụng văn bản có chữ ký số, gửi nhận điện tử của Bộ Nội vụ còn chưa cao. Đồng thời, hoàn thành sớm Đề án về lưu trữ tài liệu điện tử. Với vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cần đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách nội bộ.

Ngoài Bộ Nội vụ, nhiều đơn vị khác cũng có tỷ lệ áp dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử thấp như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, kết quả kiểm tra hôm nay sẽ được báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sắp tới; sau đó Tổ công tác sẽ tiếp tục kiểm tra trực tiếp tại các Bộ./.

Cổng TTĐT Chính phủ

Các tin khác

Tỉnh Gia Lai: Triển khai thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin... (08/06/2021)

Kết quả công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020 (06/06/2021)

THÔNG BÁO Kết quả kiểm tra, sát hạch kỳ xét tuyển viên chức vào làm công chức không qua thi tuyển năm 2021 (02/06/2021)

KẾT QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG NĂM 2020 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2021 (31/05/2021)

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, phát hành trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2020 (30/05/2021)

THÔNG BÁO Về hướng dẫn nội dung ôn tập, địa điểm và thời gian kiểm tra, sát hạch trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng từ viên chức vào làm công chức (25/05/2021)

Gia Lai kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử (25/05/2021)

Thông báo V/v thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự kỳ xét tuyển viên chức vào công chức không qua thi tuyển năm 2021 (25/05/2021)

Kết quả thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (24/05/2021)

Quyết định Về việc ban hành Quy chế xét tuyển viên chức vào công chức không qua thi tuyển Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai năm 2021 (24/05/2021)

 |<  <  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >|