CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Bưu chính-Viễn thông > Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới 2020: Hướng tới “Kết nối 2030” trong thời gian COVID

Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới 2020: Hướng tới “Kết nối 2030” trong thời gian COVID-19

Ngày đăng bài: 29/05/2020
17 tháng 5 hàng năm là ngày được Liên hiệp quốc chọn là “Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới - WTISD”. Đó là ngày dành để ghi nhận vai trò và làm nổi bật sức mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông giúp mọi người thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài viết của Tổng Thư ký ITU - Houlin Zhao

Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (WTISD) đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Liên minh Viễn thông thế giới - ITU (ngày 17 tháng 5 năm 1865 khi Công ước điện báo quốc tế đầu tiên được ký kết tại Paris). Trong 155 năm, ITU đã giúp thúc đẩy sự tiến bộ của CNTT-TT. Trải qua các cuộc chiến tranh, nạn đói và đại dịch toàn cầu, các thành viên ITU đã luôn hợp tác để thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ giúp thay đổi và cải thiện cuộc sống của mọi người. Giờ đây, nhu cầu về CNTT-TT mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn bao giờ hết.

Khi hàng tỷ người trên thế giới đang thích nghi với cuộc sống mới trong cuộc khủng hoảng COVID-19, các công nghệ số là công cụ để giữ cho các nền kinh tế và xã hội kết nối. Công nghệ giúp học sinh ở lại trường thông qua các công cụ học tập điện tử, giúp mọi người tiếp cận các nghiệp vụ y tế quan trọng thông qua điều trị từ xa, giúp giữ cho cơ sở hạ tầng chuỗi thực phẩm hoạt động liền mạch thông qua các mạng lưới vận chuyển thông minh.

Trong bối cảnh căng thẳng của đại dịch COVID-19, một số công ty cho biết đã có sự gia tăng tới hơn 300% nhu cầu người sử dụng mạng. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc.

Khi hàng tỷ người trên thế giới hiện đang dựa vào CNTT để làm việc, nghiên cứu và giữ liên lạc với những người thân yêu trong lúc cuộc khủng hoảng tiếp tục lan rộng khắp thế giới, thì việc đưa các công nghệ số đến tất cả mọi người trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.

Thu hẹp khoảng cách số

Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục làm việc chăm chỉ để thu hẹp khoảng cách số. Ngày nay, 3,6 tỷ người vẫn không thể sử dụng internet, không thể sử dụng dịch vụ giáo dục, việc làm hoặc tư vấn sức khỏe trực tuyến.

CNTT không chỉ nằm ở tuyến đầu trong mặt trận chống lại COVID-19 mà công nghệ số thực sự có sức mạnh thay đổi cuộc sống: Từ tác động tích cực của thương mại điện tử trong việc giảm nghèo đến tối ưu hóa các hoạt động nông nghiệp để chống đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giới và phát triển các chiến lược chống biến đổi khí hậu.

Một điều rõ ràng: Thế giới cần các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và SDGs cần có CNTT-TT. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nắm bắt cơ hội này để tăng tốc độ phát triển của xã hội số của chúng ta.

Là cơ quan chuyên môn về CNTT-TT của Liên Hợp Quốc, ITU đang huy động thành viên và cộng đồng CNTT-TT để cùng nhau phát triển công nghệ cho phép kết nối mọi người, mọi nơi.

Chương trình nghị sự “Kết nối-2030”: Con đường dẫn đến thành công

Chương trình nghị sự “Kết nối 2030” là một lộ trình cho các thành viên ITU và tất cả để thu hẹp khoảng cách số. Nó đưa ra một con đường để tạo ra môi trường tốt hơn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT-TT và tạo điều kiện phát triển các công nghệ mới như 5G. Trong 10 năm còn lại để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, “Kết nối-2030” đóng vai trò là máy gia tốc cho việc số hóa.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đẩy thế giới vào nhiều thử thức. Tôi được truyền cảm hứng từ sự tận tâm làm việc của các nhân viên CNTT-TT, ở khả năng phục hồi mạng và phản ứng của “Gia đình ITU” và cộng đồng CNTT-TT tại thời điểm mà công nghệ là cần thiết nhất. Nhưng giờ là lúc tận dụng những điều này để thu hẹp khoảng cách số.

Tôi tin tưởng chúng ta sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này mạnh mẽ hơn và với một động lực đổi mới để cùng nhau xây dựng một thế giới số tốt hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: http://www.cuctanso.vn/