CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin Tức > Bưu chính-Viễn thông > Hoàn thành dự thảo đầu tiên của Đề án chuyển đổi số quốc gia

Hoàn thành dự thảo đầu tiên của Đề án chuyển đổi số quốc gia

Ngày đăng bài: 21/03/2019
Chiều ngày 14/3/2019, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã nghe Cục Tin học hóa báo cáo dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia. Tham dự có đại diện các Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ TT&TT.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia nhằm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, Bộ TT&TT đã giao Cục Tin học hóa nghiên cứu xây dựng dự thảo của Đề án này.

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, Cục đã hoàn thành việc xây dựng xong dự thảo đầu tiên của Đề án chuyển đổi số quốc gia theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng để gửi đến các cơ quan bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xin ý kiến ngay trong tháng 3 này. Đây là những đối tượng sẽ chịu sự tác động của Đề án nên họ cần được tham vấn ý kiến ngay từ những dự thảo đầu tiên.
 
20190315-pg1-tc.jpg
 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Dự thảo Đề án được xây dựng sau khi đã nghiên cứu, tham khảo tài liệu của các nước đã xây dựng chiến lược, đề án chuyển đổi số quốc gia như Hà Lan, Thái Lan … Tuy nhiên, đề án vẫn có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của Việt Nam thông qua quá trình chuyển đổi số và công nghệ số.
 
Nội dung chính của Đề án bao gồm: Bối cảnh/ sự cần thiết; Tầm nhìn; Mục tiêu; Quan điểm chỉ đạo; Nhiệm vụ, giải pháp; Đo lường kết quả; Kế hoạch hành động.
 
Về quan điểm chỉ đạo được nêu trong dự thảo, Ban soạn thảo Đề án đã nêu rõ: “Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng, là động lực cho sự tăng trưởng”. Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Đối với các ngành, các lĩnh vực, nhất thiết phải tối đa hóa lợi ích từ các công nghệ số tiên tiến. Đặc biệt cần bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau.
 
 Dự thảo cũng xác định quá trình chuyển đổi số quốc gia gồm 3 giai đoạn:
 
- Giai đoạn 1 (2019-2020): là giai đoạn số hóa nền kinh tế. Đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành Công nghiệp, Chính phủ, doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả lao động và năng suất lao động để tạo ra các nguồn tăng trưởng mới.
 
- Giai đoạn 2 (2021-2025): Kinh tế số trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
 
- Giai đoạn 3 (2026-2030): Kinh tế và xã hội số toàn diện. Từ đó hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
 
Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành chuyển đổi số. Đặc biệt, dự thảo rất quan tâm tới quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp vì đây là những lĩnh vực thiết yếu, rường cột, nền tảng của kinh tế xã hội quốc gia.
 
Tại buổi làm việc, các đại biểu đến từ các đơn vị liên quan đã có những góp ý có giá trị và chất lượng cho dự thảo như: Cần có nhiều giải pháp hơn nữa hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số vì những doanh nghiệp này chiếm 90-95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo ra 60-65% việc làm và có đóng góp đáng kể cho GDP. Liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách, pháp luật, các đại biểu cho rằng cần phải có môi trường pháp lý tạo điều kiện cho nghiên cứu, sáng tạo, đặc biệt là cần sử dụng phương pháp quản lý theo hình thức sandbox.
 
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những nỗ lực của Cục Tin học hóa đã hoàn thành dự thảo Đề án chuyên đổi số quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để sớm hoàn thiện dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia trong tháng 3 để có thể gửi cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tham vấn ý kiến./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT