CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Giới thiệu > Lịch sử hình thành và phát triển > SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH GIA LAI – 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (2005 – 2015)

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH GIA LAI – 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (2005 – 2015)

Ngày đăng bài: 25/03/2015
 
Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Sở
     Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc mở cửa thị trường bưu chính, viễn thông, xóa bỏ độc quyền để tăng tốc phát triển; cùng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước cả về cơ chế và tổ chức, tách công tác quản lý nhà nước ra khỏi công tác quản lý sản xuất kinh doanh; ngày 25/02/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2004/NĐ-CP về việc thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông (BCVT) thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

     Ngày 10/01/2005, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 01/2005/QĐ-UB thành lập Sở Bưu chính Viễn thông với 03 phòng chuyên môn là Văn phòng - Thanh tra; phòng BCVT, phòng CNTT với biên chế được giao là 12 người. Tuy vậy, đến tháng 7/2005, UBND tỉnh mới có quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở BCVT. Tháng  8/2005, bộ máy tổ chức của Sở được hình thành với 04 công chức chính thức (kể cả Giám đốc Sở) từ các cơ quan khác chuyển về và một số sinh viên vừa tốt nghiệp được hợp đồng công tác lần đầu.
      Ngày 25/10/2005, Sở chính thức ra mắt đi vào hoạt động. Cũng trong thời gian này, Chi bộ của Sở đã được thành lập, trở thành hạt nhân lãnh đạo mọi mặt hoạt động của Sở, Công đoàn và Chi Đoàn thanh niên lần lượt được hình thành. Với đặc thù của một Sở mới, đội ngũ cán bộ hầu hết là trẻ, còn ít kinh nghiệm thực tế nên Lãnh đạo Sở luôn quan tâm và có những giải pháp, kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, viên chức (CCVC). Bộ máy tổ chức của Sở liên tục được củng cố: năm 2006, Sở được bố trí 17 biên chế, 04 phòng chuyên môn; năm 2007 là 19 biên chế. Đến tháng 4 năm 2008, tỉnh quyết định thành lập Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trên cơ sở Sở BCVT theo chủ trương của Trung ương; bổ sung chức năng tham mưu quản lý nhà nước lĩnh vực báo chí và xuất bản (BCXB).
     Về cơ sở vật chất, khi hình thành bộ máy, Sở được tỉnh bố trí các nơi làm việc là trụ sở cũ đã xuống cấp; phương tiện làm việc hầu như chưa có gì ngoài 01 chiếc xe ô tô. Sau 10 năm hình thành, đến nay Sở có 06 phòng chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, phòng Kế hoạch – Tài chính, phòng BCVT, phòng CNTT, phòng BCXB) và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở là Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) với 46 biên chế CCVC. Toàn thể CCVC của Sở đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng quy định và yêu cầu (trong đó có 03 thạc sĩ, 39 đại học, 01 cao đẳng, 03 trình độ trung cấp); đồng thời hàng năm đều được bồi dưỡng, đào tạo lại về chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ...để theo kịp sự tiến bộ của công nghệ và yêu cầu quản lý. Chi bộ Sở có 24 đảng viên. Các điều kiện về phương tiện làm việc đã đáp ứng được nhu cầu làm việc của CCVC, trong đó mỗi người đều được trang bị  máy vi tính với phương thức làm việc theo mô hình “văn phòng điện tử”, có đủ phương tiện làm việc theo quy định.
    Là một Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, Sở đã chủ động và tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chỉ thị, quyết định về quản lý và phát triển trên lĩnh vực TT&TT, tham gia hầu hết các Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, Sở đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 19 văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với lĩnh vực TT&TT. Tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT, nhân sự và nghiệp vụ quản lý ngành tại địa phương, từng bước củng cố tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về TT&TT từ tỉnh đến huyện. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên được triển khai rộng khắp và có chất lượng, với trên 20 hội nghị, hội thảo chuyên đề, phổ biến pháp luật về BCVT, CNTT, BCXB và các văn bản hướng dẫn có liên quan cho các sở, ngành ở tỉnh, các các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra hoạt động TT&TT trên địa bàn tỉnh còn thường xuyên được phản ánh qua Bản tin TT&TT, trang thông tin điện tử của Sở, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên Đài Truyền thanh – Truyền hình tỉnh.
      Về chuyên môn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống hội nghị qua truyền hình từ tỉnh đến cấp huyện; hệ thống quản lý văn bản và điều hành -"Văn phòng điện tử" (đã có kết nối thử nghiệm với Văn phòng Chính phủ) ở hầu hết UBND cấp huyện và các cơ quan chuyện môn thuộc UBND tỉnh; hệ thống "1 cửa điện tử hiện đại" ở cấp huyện và một số đơn vị cấp sở. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh (đặt tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) được UBND tỉnh cho đầu tư hiện đại với hệ thống bảo mật cao. Triển khai tốt chương trình mục tiêu quốc gia "Đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo", trong đó đã đầu tư 81 đài truyền thanh cấp xã, nâng tổng số xã có đài truyền thanh lên 136/222 xã vào cuối năm 2015, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ TT&TT cơ sở, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân ở cơ sở tiếp cận được thông tin qua hệ thống phát thanh. Hàng năm, tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về CNTT cho CCVC của tỉnh. Đặc biệt, việc Sở được UBND tỉnh giao phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giao ban báo chí hàng tháng đã kịp thời cung cấp thông tin và định hướng cho hoạt động báo chí là một việc làm có hiệu quả trong thời gian qua.
      Việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng được Sở chú trọng thực hiện. Qua việc thực hiện các ký kết hợp tác, Sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị ở TP.HCM xây dựng Dự án "Hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa" với kinh phí do TP.HCM tài trợ; Sở TT&TT T.P. HCM và Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho Sở TT&TT Gia Lai trong việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về CNTT&TT, về kinh nghiệm quản lý. Đối với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, Sở đã có mối quan hệ phối hợp vừa chặt chẽ, nghiêm túc, vừa thân tình, gắn kết; đã giúp nhiều đơn vị, địa phương xây dựng các dự án về CNTT và được tỉnh chấp thuận cho triển khai như dự án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng Internet phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn”, hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng mô hình "công sở điện tử", "1 cửa hiện đại"; phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục quản lý thị trường trong việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ lĩnh vực TT&TT; phối hợp với Công an, quân sự trong các nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vấn đề an ninh thông tin, chống đe dọa, khủng bố, quấy rối, lừa đảo, chống phá chính quyền qua mạng thông tin. Đối với các doanh nghiệp trong ngành, Sở đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cấp ủy và chính quyền địa phương; đồng thời giúp các doanh nghiệp tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn trong việc phát triển hạ tầng viễn thông; việc quảng bá, phát triển các dịch vụ; hỗ trợ thực hiện các chương trình viễn thông và bưu chính công ích; giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp và khách hàng với doanh nghiệp thông qua hoạt động thanh tra chuyên ngành TT&TT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đã gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước. Các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ Sở rất nhiều trong việc tăng cường công tác tham mưu, quản lý.
       Về nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2005 - 2015, Sở TT&TT đã hoàn thành và được UBND tỉnh ghi nhận kết quả thực hiện 02 Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: "Từ điển điện tử phương ngữ Jrai-Việt" (tudienjrai.gov.vn); “Từ điển điện tử phương ngữ Bahnar-Việt” (tudienbahnar.gov.vn). Đây là các đề tài khoa học do Sở chủ trì thực hiện có ý nghĩa chính trị và xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, tạo điều kiện cho CCVC, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu, học về ngôn ngữ, văn hóa Jrai, Bahnar và quảng bá hình ảnh của tỉnh trên toàn thế giới.
     Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác xã hội, từ thiện luôn được Sở quan tâm. Trong những năm đầu thành lập và hoạt động, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về biên chế và kinh phí, nhưng được tỉnh phân công, Sở đã xây dựng chương trình thực hiện kế hoạch phụ trách, giúp đỡ xã Ia Trôk - huyện Ia Pa nhằm giúp xã ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị; hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất tại bộ phận "Một cửa", cấp máy tính, máy in và mở lớp đào tạo tin học văn phòng cho CBCC công tác tại xã; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho 02 hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, song thị trường viễn thông, internet, mạng lưới bưu chính phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Vào năm 2005, trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực BCVT chỉ có 02 doanh nghiệp hoạt động; mật độ điện thoại dưới 07 TB/100 dân, điện thoại di động còn quý hiếm, internet còn xa lạ với nhiều người; CNTT chưa được ứng dụng nhiều trong các hoạt động quản lý kinh tế, quản lý xã hội; hoạt động báo chí cũng còn chưa sôi động lắm với chỉ 09 phóng viên thường trú của các cơ quan báo ngoài tỉnh cùng Báo Gia Lai và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Vậy mà qua 10 năm đã có sự thay đổi hẳn : Mạng lưới bưu chính đã phủ kín địa bàn tỉnh với bán kính phục vụ bình quân là 4,61km/điểm, có 213/222 xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày (đạt tỷ lệ 95,95%), việc cung cấp phát báo cho độc giả và đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Hiện đã có 100% các xã trong tỉnh đã có sóng điện thoại 2G; 221/222 xã có sóng 3G, chiếm 99,54%; Mạng cáp truyền dẫn được phát triển rộng khắp với 177/222 xã  (79,7%)  đơn vị hành chính cấp xã được kết nối cáp đồng và 221/222 (99,54%) đơn vị hành chính cấp xã được kết nối cáp quang tới trung tâm; 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện được kết nối cáp quang. Tổng số trạm thu phát sóng (BTS) tính đến năm 2015 là 1.314 trạm, tăng 1.234 trạm so với năm 2005 (80 trạm). Tỷ lệ thuê bao (TB) điện thoại đạt 100,23 TB/100 dân, tăng gấp 14,3 lần so với năm 2005. Tổng số thuê bao Internet là 62.205 TB, tăng gấp 23,5 lần so với năm 2005. Doanh thu bưu chính, viễn thông giai đoạn 2005–2010 đã đạt trên 800 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 1.289,52 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi năm tăng 7,72%; đóng góp đáng kể vào tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, bình quân hơn 50 tỷ đồng/năm.
     Số lượng Văn phòng thường trú và Phóng viên thường trú các báo trung ương và ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng đến 21 đơn vị. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức các ấn phẩm, chương trình, chuyên trang, chuyên mục đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, bạn nghe, xem đài; các cơ quan báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phản ánh đầy đủ các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ, các sự kiện lớn diễn ra trong tỉnh. Vùng phủ sóng của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh và công tác phát hành của Báo Gia Lai ngày càng mở rộng, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khán thính giả, bạn đọc. Việc phát sóng chương trình truyền hình của Đài tỉnh lên vệ tinh và việc hình thành Báo Gia Lai điện tử đã góp phần chuyển tải thông tin của tỉnh, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với người xem trong và ngoài tỉnh và thế giới, để họ hiểu biết về Gia Lai nhiều hơn, từ đó giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh cũng như thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan danh lam, thắng cảnh ở địa phương.
Công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lĩnh vực in, xuất bản, phát hành phát triển đúng hướng, các hoạt động đã đi vào nề nếp và ổn định theo đúng Luật Xuất bản và các quy định liên quan về tổ chức và hoạt động in. Các cơ sở in trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và ngày càng phát triển; hầu hết các doanh nghiệp in trong tỉnh đã đầu tư công nghệ in offset hiện đại và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu in  ngày càng tăng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ năm 2011 đến nay, Sở TT&TT đã triển khai tổ chức thành công Liên hoan Phát thanh- Truyền hình hàng năm, qua đó đã kích thích sự sáng tạo các tác phẩm phát thanh - truyền hình có chất lượng, hấp dẫn để phục vụ công chúng.
      Việc sử dụng máy vi tính, ứng dụng internet đã dần dần trở nên phổ cập đối với toàn xã hội,tính đến cuối năm 2015, có trung bình 06 máy/100 dân, tăng khá nhiều so với năm 2005 (dưới 01 máy tính/100 dân). Riêng đối với khối cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể, tỷ lệ cán bộ, công chức/máy tính đạt hơn 87%.
Những kết quả đạt được nêu trên qua 10 năm xây dựng và phát triển của Sở TT&TT Gia Lai đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của tỉnh nói chung. Tuy cũng còn không ít khó khăn nhưng Sở TT&TT đã dần dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Những nỗ lực, phấn đấu của toàn thể CBCC của Sở đã được UBND tỉnh và Bộ TT&TT ghi nhận, khen ngợi, thể hiện qua kết quả thi đua khen thưởng: Trong 10 hoạt động, Sở được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 07 lần nhận cờ thi đua của Bộ TT&TT, của UBND tỉnh; 08 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ TT&TT; nhiều tập thể và cá nhân của Sở được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh; tập thể Sở và 03 cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 01 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chi bộ Sở hàng năm đều đạt "trong sạch vững mạnh", các đoàn thể đều đạt "vững mạnh tiêu biểu".
     Những thành quả vượt bậc của ngành TT&TT tỉnh nhà cũng như của Sở TT&TT có được như đã nêu trên trước tiên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông, sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, đơn vị, đoàn thể trong toàn tỉnh, cùng sự phấn đấu, nổ lực của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành thông tin và truyền thông tỉnh nhà, cũng như sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, thì chính cũng do sự phát triển nhanh của lĩnh vực TT&TT cũng đã xuất hiện một số tồn tại gây bức xúc trong xã hội như: vấn nạn về Game Online; việc lợi dụng điện thoại hoặc trang tin điện tử để lăng mạ, khủng bố, lừa đảo, chống phá chính quyền; việc phá hoại hạ tầng thông tin, gây nhiễu thông tin ..vv. chưa được ngăn chặn, phòng chống kịp thời. Điều đó cho thấy công tác quản lý nhà nước có mặt chưa theo kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực thông tin và truyền thông; trình độ cán bộ quản lý lĩnh vực này và sự quan tâm, phối hợp trong công tác quản lý của các cấp, các ngành cũng còn có bất cập. Từ đó, việc định hướng và xây dựng kế hoạch về quản lý, phát triển ngành TT&TT trong những năm sắp đến là việc hết sức cấp thiết và quan trọng, với mục tiêu chung là đẩy mạnh, tăng tốc phát triển tất cả các lĩnh vực trong ngành TT&TT song song với việc tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động, dịch vụ trong ngành, trong đó có việc củng cố, nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của Sở TT&TT.
       Trong thời gian tới, Sở TT&TT Gia Lai có trách nhiệm khắc phục những khó khăn, tồn tại, phát huy những ưu điểm, thành quả đã đạt được, tiếp tục có những giải pháp tối ưu để tổ chức thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra; trọng tâm là: Tiếp tục củng cố bộ máy, tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước các cơ quan chuyên trách về TT&TT từ cấp tỉnh đến cấp huyện; từng CCVC, người lao động trong ngành phải không ngừng nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo kịp yêu cầu mới. Tăng cường rà soát, tiếp tục tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TT&TT và có biện pháp để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về ngành. Bám sát nhiệm vụ chính trị của trung ương và địa phương nhằm định hướng thông tin cho báo chí để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền. Đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại. Quản lý tốt hoạt động in và xuất bản trên địa bàn. Tham mưu, đề xuất thực hiện các dự án quan trọng nhằm thực hiện Chính phủ điện tử, có các biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý và toàn xã hội; tích cực ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, thực hiện thương mại điện tử. Tham mưu các giải pháp kích cầu, hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực TT&TT trên địa bàn. Hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi các quy hoạch chuyên ngành phù hợp tình hình phát triển của tỉnh. Thực hiện phổ cập các dịch vụ BCVT, Internet. Hỗ trợ các doanh nghiệp BCVT phát triển, vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Quản lý chặt chẽ hoạt động truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện, đặc biệt quan tâm việc quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý hoạt động dịch vụ Internet. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông phù hợp với quy hoạch đô thị và mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc.
       Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đó, bên cạnh sự chủ động phấn đấu của tập thể Sở TT&TT cũng như của người lao động toàn ngành; cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phát huy mọi nguồn lực để ngành TT&TT tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của tỉnh cả về kinh tế, xã hội lẫn trong việc giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội./.
                                                                                                                                                NNH